Bộ TN&MT - Điểm sáng xây dựng Chính phủ điện tử

Yên Thi| 10/12/2019 13:41

(TN&MT) - Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT cho rằng, thực hiện văn bản điện tử, hồ sơ điện tử tại Bộ TN&MT liên thông với các Bộ, ngành, địa phương, góp phần tích cực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong quản lý và điều hành.

PV: Việc ứng dụng văn bản điện tử, hồ sơ điện tử quản lý Nhà nước, kết nối liên thông với các địa phương nói chung của Bộ TN&MT đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Khuất Hoàng Kiên:

Tại Bộ TN&MT, việc triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc khá sớm, là sản phẩm của Đề án Tin học hóa hành chính Nhà nước (112) và được Bộ đẩy mạnh sử dụng từ năm 2012, đặc biệt, trong khoảng 2 năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, việc triển khai, ứng dụng đã rất sâu rộng và hiệu quả, đặc biệt sau khi Chỉ thị về sử dụng văn bản điện tử có xác thực chữ ký số được ban hành, hiện nay tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 98%; tỷ lệ văn bản điện tử ký số phát hành qua Trục liên thông văn bản quốc gia đạt trên 90%.

Quý IV/2018, Bộ đã liên thông hệ thống với các Sở TN&MT trên Hệ thống của Bộ và hiện nay đã liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia sau khi Trục này được xây dựng. Đến nay, các Sở đã nhận 35.837 văn bản của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ và đã gửi 4.197 văn bản đến Bộ.

Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT

Hệ thống Một cửa điện tử của Bộ được triển khai từ tháng 6/2016, đến tháng 8/2018 đã tích hợp thống nhất với Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa quốc gia và liên thông với Hệ thống hồ sơ công việc. Việc này cho phép xử lý một cách liên thông các thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả trên môi trường điện tử. Đặc biệt, các TTHC thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đều dùng hồ sơ điện tử.

Các kết quả nêu trên đã đạt được các mục tiêu về phát triển Chính phủ điện tử của Bộ, được Chính phủ, Bộ TT&TT ghi nhận và đánh giá cao, tạo được môi trường thuận lợi cho các tổ chức cá nhân khi thực hiện các TTHC tại Bộ, thuận lợi cho công chức, lãnh đạo trong xử lý, điều hành và giải quyết các TTHC, xử lý công việc nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch. Việc liên thông văn bản điện tử và một số TTHC với các địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ cũng như giải quyết một số TTHC với các Sở TN&MT được thông suốt, góp phần cải thiện CCHC, tiết kiệm chi phí. Thông qua hệ thống, việc theo dõi và giám sát công tác trả lời, góp ý của địa phương được cải thiện rõ rệt và tăng rất nhanh theo thời gian.

PV: Có thể thấy, Bộ TN&MT đã đạt được rất nhiều thành tích trong hiện đại hóa công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc ngành đang gặp phải. Ông có thể chia sẻ những vướng mắc đó và biện pháp để tháo gỡ?

Ông Khuất Hoàng Kiên:

Tôi cho rằng, về văn bản điện tử, quản lý hồ sơ công việc và điều hành, chúng ta đã làm khá tốt, tuy vậy, hệ thống phần mềm cũng như công cụ ký số cũng còn có các hạn chế. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan để hoàn thiện phần mềm theo hướng dễ sử dụng hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, ký số thuận tiện hơn và cung cấp khả năng thực hiện trên các thiết bị thông minh.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ điện tử, chúng ta còn gặp khá nhiều khó khăn, đên từ những vấn đề chung của quốc gia như: Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp do rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP, điển hình như: Còn thiếu khung pháp lý đồng bộ; thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp, thiếu quy định cụ thể về định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử; thiếu các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, thói quen thủ công, giấy tờ chưa được khắc phục…

Bên cạnh đó, các TTHC của lĩnh vực TN&MT thường là các thủ tục phức tạp, yêu cầu thành phần hồ sơ đa dạng về chủng loại, nhiều về khối lượng, khó số hóa, khó thực hiện trên môi trường điện tử cả cho người thực hiện lẫn người thụ lý, giải quyết TTHC, các quy định của pháp luật chuyên ngành hiện thời chưa thực sự hướng tới việc giải quyết thông qua môi trường điện tử, thói quen của cá nhân, tổ chức, một số đơn vị cũng chưa mặn mà với việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử…

Để giải quyết các khó khăn này, Chính phủ, Bộ đã đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Quyết định số 964/QĐ-BTNMT ngày 17/4/2019 Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, chúng ta đã triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình là Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã có những quy định rất cụ thể về thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử cũng như cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh…

PV: Để giúp Bộ và địa phương xuyên suốt, thống nhất ứng dụng văn bản điện tử, hồ sơ điện tử trong ngành TN&MT, thời gian tới, công tác phối hợp sẽ được triển khai ra sao để đạt hiệu quả thiết thực nhất, thưa ông?

Ông Khuất Hoàng Kiên:

Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ, Bộ đã giao tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Quyết định số 964/QĐ-BTNMT để đảm bảo việc triển khai CPĐT tại Bộ, tại ngành đúng lộ trình, đồng bộ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo được việc kết nối, liên thông các hệ thống, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, giữa trung ương và địa phương.

Trong đó, cần chú trọng công tác hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, xây dựng và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử ngành. Kết nối tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, khai thác sử dụng được các dữ liệu dùng chung quốc gia, các dữ liệu chia sẻ từ các Bộ ngành địa phương, giảm bớt các yêu cầu về thành phần hồ sơ khi các dữ liệu này được chia sẻ, xác thực. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành TN&MT.

Thực hiện các nhiệm vụ về xây triển khai Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đến nay, Bộ TN&MT đã cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 22 dịch vụ mức độ 4, 91 dịch vụ mức độ 3. Tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 của năm 2019 tính đến ngày 27/11/2019 là 784 trên tổng số 2520 hồ sơ.

Việc tiếp theo chúng ta phải tiếp tục phát huy được các thành tựu, các thế mạnh khi áp dụng các văn bản điện tử, hồ sơ điện tử trong công việc, trong chỉ đạo điều hành, giải quyết các TTHC, tăng cường sự kết nối trao đổi giữa Bộ và các địa phương, các Sở TN&MT.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai và mở rộng các hệ thống có liên thông kết nối với địa phương như: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống chỉ tiêu thống kê, hệ thống tương tác giữa Bộ và sở, Hệ thống thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo… Việc này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của của Bộ và các địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT - Điểm sáng xây dựng Chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO