Ngành TN&MT

Bộ TN&MT ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ

Việt Anh 04/02/2025 - 18:40

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa kí Quyết định 166/QĐ-BTNMT ban hành Chương trình hành động của ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Chương trình hành động của Bộ TN&MT nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ là bước đi quan trọng giúp ngành TN&MT đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, ngành TN&MT sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng​.

12 nhiệm vụ cụ thể
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025, Chương trình hành động ngành TN&MT tập trung vào 12 nhiệm vụ cụ thể.

bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2023-1-11-_ktxh-16734378586851050898784.gif
Chương trình hành động ngành TN&MT tập trung vào 12 nhiệm vụ cụ thể

Trong đó, ngành TN&MT tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

Cùng với đó, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024, tiếp tục xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả công tác quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, ngành tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật mới về tài nguyên nước đến các bộ ngành, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan đảm bảo chính sách pháp luật mới về tài nguyên nước được thực thi hiệu quả; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, bao gồm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực địa chất. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

chien-luoc-bao-ve-moi-truong-quoc-gia-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2050.jpg
Ngành TN&MT tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường

Ngành cũng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng; kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia đáp ứng Chính phủ điện tử ngành TN&MT; nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thực hiện báo cáo các chỉ số, chỉ tiêu, chỉ thị về đa dạng sinh học theo phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của Bộ.

Đối với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, ngành TN&MT tập trung phát triển ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) toàn diện đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới.

e34c87de46d3e2c9fbde23545cf072b8.jpg
Ngành TN&MT tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô- dôn. Triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP26, trọng tâm là thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; Triển khai giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch và thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP 28.

Đối với lĩnh vực đo đạc bản đồ, ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ tại các địa phương. Hoàn thành việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ lớn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số.

Đối với lĩnh vực biển và hải đảo, ngành TN&MT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

dlbien-16805350404721254922980.jpg
Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Đối với lĩnh vực viễn thám, ngành TN&MT tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước về viễn thám; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, hỗ trợ các ngành kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả theo định hướng của Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trọng tâm trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Ngành TN&MT cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế tạo thuận lợi chuyển đổi số TN&MT; hoàn thiện quy định kỹ thuật tạo cơ sở pháp lý về cơ sở dữ liệu TN&MT, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quản lý, chuyên môn; chuyển đổiphương thức làm việc lên môi trường số; ngành TN&MT theo phương thức số, lấy dữ liệu làm trung tâm, số hóa dữ liệu tại nguồn, quản lý, chia sẻ, phân tích, xử lý, tổng hợp... trên công nghệ số.

Ngoài ra, ngành cũng tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thống nhất trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Bộ TN&MT đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, ngành bám sát, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đạt kết quả cao nhất các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chủ động, tích cực chuẩn bị, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tập trung tổng kết, đánh giá các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và xây dựng các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026-2030.

ktxh-10.2021.jpg
Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Ngành TN&MT tiếp tục quan điểm lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát triển mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Chủ động nắm bắt, khai thác hiệu quả các cơ hội, thời cơ từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngành TN&MT cũng xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa phục vụ yêu cầu quản lý, vừa thúc đẩy phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước. Đẩy
mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Cùng với đó, ngành TN&MT tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và có cơ chế, chính sách đột phá bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025 ngành TN&MT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO