Lực lượng quản lý yếu và thiếu
Theo số liệu từ Sở TN&MT Lào Cai, hiện, toàn tỉnh còn 104 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với 83 tổ chức cá nhân tham gia. Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các Sở ngành liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ khoáng sản. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Có biện pháp xử lý tình trạng khác thác khoáng sản trái phép; phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, phê duyệt Quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng...
Trong năm 2018, tỉnh Lào Cai đã triển khai 2 đợt tổng kiểm tra với 35 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xử lý vi phạm 2 tổ chức khai thác Apatits và cát trái phép trên địa bàn thành phố và huyện Văn Bàn. Tổng số tiền xử phạt các vụ liên quan đến khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn hơn 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Phòng TN&MT TP. Lào Cai cho biết: Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước trong khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập xảy ra, vì việc phân cấp quyền xử lý, vi phạm chưa phù hợp dẫn đến việc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản coi thường chính quyền địa phương. Lực lượng quản lý tại địa phương còn yếu và thiếu dẫn đến việc quản lý gặp khó khăn. Thiết bị giám sát chưa hiện đại do đó việc quản lý khối lượng, phạm vi khai thác của các doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ gây thất thoát tài nguyên...
Phân cấp thẩm quyền xử lý vi phạm chưa phù hợp
Ông Vũ Đình Thủy, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Lào Cai cho biết: Những vấn đề đặt ra trong và sau khai thác khoáng sản chủ yếu liên quan tới môi trường và nguồn nước. Bởi bãi thải rắn sau khai thác khoáng sản, bãi thải đuôi của nhà máy tuyển quặng nếu không đổ theo đúng thiết kế, không có đập chắn phía hạ lưu hoặc có nhưng không đảm bảo. Do khối lượng và các tầng lớp đổ thải lớn các đơn vị thường lợi dụng các khe núi, thung lũng để đổ thải. Khi mưa lớn nước sẽ tập trung vào khe núi gây nguy cơ sạt lở, nước từ bãi thải nhiều khi cũng chảy trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng hoa mầu, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đơn cử như mỏ Cao lanh, Fenspat Thái Niên của Công ty Khai Phát, mỏ Vàng Sa Phìn của Công ty CP Nhẫn, mỏ Graphit Bản Phiệt của Công ty CP Carat...
Ngoài ra, sau khai thác khoáng sản, còn tình trạng có tổ chức, cá nhân không thực hiện đóng cửa mỏ do một số doanh nghiệp giải thể hoặc không có mặt tại địa phương. Trong khi đó, tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trước đây đến nay không đủ để thực hiện đóng cửa mỏ. Một số mỏ cát, sỏi khai thác với mục đích nạo, vét dòng sông nhưng do quy luật dòng chảy nhiều khi trước và sau khai thác vẫn gần như không thay đổi. Chưa có quy định về lệ phí thẩm định hồ sơ đóng cửa mỏ nên khó khăn cho việc chi phí cho thành viên tham gia thẩm định hồ sơ...
Kinh phí quản lý khoáng sản còn hạn chế, lực lượng quản lý trong việc khai thác khoáng sản còn thiếu và yếu về chuyên môn. Mặt khác, do tỉnh Lào Cai có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, một số khoáng sản quý hiếm đều nằm tại vùng sâu, vùng xa, nên công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn. Việc phân cấp thẩm quyền xử lý vi phạm còn chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý và xử lý các vi phạm.