Bình Thuận: Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản

Linh Nga| 27/01/2021 20:29

(TN&MT) - Thời gian qua, Sở TN&MT Bình Thuận đã phối hợp tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong khai thác khoáng sản; triển khai các giải pháp để chấn chỉnh, xử lý. Qua đó, hạn chế được tình trạng làm thất thoát tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

Một trường hợp hút cát biển trái phép tại Bình Thuận

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản được UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm. Ngoài việc, thường xuyên chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong khai thác khoáng sản; triển khai các giải pháp để chấn chỉnh, xử lý; UBND tỉnh Bình Thuận còn quy định trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu của các địa phương trong tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

Tuy nhiên, do nhu cầu về liệu xây dựng và san lấp ở tỉnh tăng cao, nên đã có nhiều tổ chức, cá nhân cố tình khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép để hưởng lợi; các trường hợp khai thác trái phép quy mô lớn có nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động, trong khi chế tài hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nên hiệu quả thấp, không đủ răn đe các đối tượng vi phạm. Cụ thể, trong năm 2020, Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh theo thông tin từ báo chí và từ phản ánh của nhân dân. Qua kiểm tra, đã phát hiện có 9/10 địa phương xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Hiện, Đoàn công tác đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các khu vực như: khu vực sông Lòng Sông, thị trấn Liên Hương; khu vực Núi Đất tại thôn Nha Mé, xã Phong Phú (huyện Tuy Phong); các xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải, Tân Đức, Tân Phúc và thị trấn Tân Nghĩa, lòng hồ Sông Dinh (huyện Hàm Tân); xã Tân Lập và thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam); khu vực lòng hồ Biển Lạc và sông La Ngà (huyện Tánh Linh và Đức Linh) và  hoạt động bơm hút chất nạo vét tại dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (thành phố Phan Thiết)...

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận

Cũng theo Sở TN&MT Bình Thuận, đến nay, Đoàn liên ngành đã chuyển hồ sơ cho Thanh Tra Sở TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận xử lý vi phạm hành chính đối với 05 trường hợp với số tiền xử phạt 238.528.000 đồng. Đồng thời, trong năm 2020, Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 388 ngày 19/02/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai, hoạt động khai thác khoáng sản titan - zircon khu vực Thiện Ái, huyện Bắc Bình với số tiền xử phạt 230 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản trong 06 tháng. Đến nay, Công ty này đã khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến dự án khai thác titan - zircon khu vực Thiện Ái và Sở TN&MT Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2363 ngày 26/6/2020 cho phép Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai được thực hiện được hoạt động khai thác trở lại.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Sở TN&MT Bình Thuận sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, các khu vực mỏ thực hiện khai thác không đúng quy định và các trường hợp mỏ chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định pháp luật; rà soát, đôn đốc các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định để đi vào khai thác phục vụ nhu cầu thị trường.

Đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận sẽ kiên quyết thu hồi đối với mỏ chậm triển khai, nhưng không có lý do chính đáng để đưa mỏ ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho các đơn vị khác có năng lực thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản. Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ tăng cường phối hợp xử lý các trường hợp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, nhất là các trường hợp nợ đọng kéo dài; triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường 02 đợt/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO