Làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) nằm trong danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng |
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 6 làng nghề nông thôn đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận. Tuy nhiên, thời gian qua, một số làng nghề vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải của làng nghề chưa được đầu tư đúng quy định; việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế; nhận thức của người dân về vấn đề BVMT còn thấp; ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu; quản lý của nhà nước về BVMT ở các làng nghề chưa tốt.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận có làng nghề bánh tráng Chợ Lầu, khu phố Xuân An, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình nằm trong danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý theo Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Hiện nay, tại các địa phương ở Bình Thuận việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bóng đèn huỳnh quang thải (đối với nhà vườn thanh long) sau sử dụng vẫn chưa được quản lý theo đúng quy định hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.
Cụ thể, ở khu vực nông thôn, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV không được thu gom, xử lý đúng nơi quy định sau khi sử dụng đang xảy ra ở nhiều địa bàn; người dân rửa bình bơm thuốc và dụng cụ pha chế chưa đúng quy trình, lượng dư thuốc BVTV còn sót lại trong các chai lọ bị vứt xuống ao, hồ; bóng đèn huỳnh quang hư hỏng chứa thành phần thuỷ ngân độc hại chưa được thu gom xử lý theo quy định mà xả thải trực tiếp ra môi trường làm cho nguồn nước và môi trường đất ô nhiễm, đe doạ nghiêm trọng tới các hệ sinh thái và đặc biệt là sức khoẻ của con người.
Nhằm quản lý chất thải rắn nông nghiệp, nâng cao công tác BVMT, Sở TN&MT Bình Thuận đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, đối với việc quản lý chất thải nguy hại nông nghiệp và nông thôn, Sở TN&MT đề nghị Sở NN&PTNT tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, tránh những tồn dư của thuốc BVTV thẩm thấu vào môi trường và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa do địa phương bố trí.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trồng thanh long sử dụng đèn điện không được vất bỏ bóng đèn ra môi trường tự nhiên đặc biệt là các suối, kênh rạch, đây là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; lồng ghép nội dung yêu cầu về BVMT trong quá trình đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Sở TN&MT Bình Thuận cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung quy định về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Đồng thời, căn cứ vào thực tế từng địa phương, nghiên cứu, lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa.
Đối với quản lý chất thải rắn môi trường làng nghề, Sở TN&MT Bình Thuận tăng cường rà soát các điều kiện BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề chưa đáp ứng các điều kiện về BVMT, quản lý chặt chẽ việc công nhận các làng nghề đảm bảo các điều kiện về BVMT theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 46/2011/TT-BTNTM ngày 26/12/2011 của Bộ TN&MT.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Thuận cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đặc biệt tập trung vào các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.