Bình Thuận: Tăng cường quản lý bảo vệ rừng
(TN&MT) – Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Phối hợp kiểm tra
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5//2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất rừng, hướng dẫn các cơ quan tài nguyên và môi trường cấp huyện phối hợp với các đơn vị chủ rừng xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, sang nhượng đất rừng trái pháp luật, sử dụng đất rừng sai mục đích.
Ngoài ra, Sở TN&MT phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu xử lý diện tích đất rừng hiện do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nhưng có chồng lấn với diện tích đất rừng đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng.
UBND Bình Thuận chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tích cực tuyên truyền các hộ nhận khoán bảo vệ rừng chấp hành nghiêm công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hướng dẫn trồng lại rừng ngay sau khai thác.
Còn Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã và hành phố tăng cường phối hợp chủ rừng, UBND cấp xã triển khai quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, chống lấn, chiếm, sử dụng đất rừng không đúng quy định, xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức lực lượng, phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng và đất rừng để kịp thời phát hiện, ngăn ngăn chặn, lập hồ sơ vi phạm làm cơ sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai.
Nâng cao công tác quản lý
Theo Sở TN&MT, các cơ quan liên ngành đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công việc quản lý và bảo vệ rừng. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh đã chủ động phát hiện lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp là 136 vụ, xử lý vi phạm hành chính 85 vụ, lâm sản tịch thu gồm 105,66 m3 gỗ các loại, giá trị lâm sản ngoài gỗ 3.720.000 đồng, động vật rừng tịch thu 115,7 kg, tịch thu 1 ô tô, 64 xe máy và 30 phương tiện khác, nộp ngân sách Nhà nước 152,5 triệu đồng.
Tính đến ngày 1/5/2024, không có vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn, hầu hết các điểm cháy rừng sau khi có tin cảnh báo, báo cháy đều được các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ để chữa cháy kịp thời.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo sở ngành và các địa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, duy trì thường xuyên, liên tục chế độ ứng trực 24/24, chế độ thông tin báo cáo về phòng cháy, chữa cháy rừng để đảm bảo liên thông từ cơ sở đến cấp tỉnh. Theo dõi việc triển khai thực hiện xác minh thông tin cảnh báo mất rừng từ phần mềm cảnh báo mất rừng đúng thời hạn, nhanh chóng đưa phần mềm giám sát tài nguyên rừng trên thiết bị di động đi vào hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường phối hợp với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận trong việc bảo vệ, quản lý vùng rừng giáp ranh. Vận động các hộ gia đình sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trong năm 2023, tổng diện tích có rừng và diện tích rừng đã trồng chưa thành rừng trên địa bàn Bình Thuận là 349.068,56 ha. Trong đó, tổng diện tích đất có rừng là 342.127,58 ha (gồm rừng tự nhiên là 296.915,47 ha, rừng trồng là 45.212,11 ha), diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 6.940,98, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 43,08%.