Tình trạng khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn diễn biến phức tạp |
UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến tháng 11/2019 toàn tỉnh có 75 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh Bình Thuận cấp. Trong đó, có 20 giấy phép khai thác đá xây dựng; 18 giấy phép khai thác sét gạch ngói; 19 giấy phép khai thác cát xây dựng và 18 giấy phép khai thác vật liệu san lấp.
Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, có nhiều tiến triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; nhiều khu vực cát xây dựng, vật liệu san lấp và đá chẻ được đưa vào quy hoạch nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về xây dựng ở địa phương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Lâm, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, nhất là tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Tân, khu vực giáp ranh của huyện Đức Linh và Tánh Linh. Trong đó, chỉ riêng huyện Tánh Linh, trong 10 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện và xử lý 90 trường hợp vi phạm với số tiền là hơn 430 triệu đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Cùng với đó, lập lại trật tự trong khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu xây dựng của nhân dân; không để phát sinh điểm nóng tại các địa phương liên quan đến vấn đề này.
Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và nhu cầu thực tế hiện nay của nhân dân, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này; xử lý triệt để các điểm khai thác, tập kết khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT củng cố lại Đoàn Kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý có hiệu quả các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất; rà soát quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2016 - 2020), tầm nhìn năm 2030.