Quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được bố trí một cách hợp lý theo các vùng chuyên canh, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp được nâng lên.
Theo đó, trong phát triển nông nghiệp tập trung, hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra cơ chế, đòn bẩy về quỹ đất, nguồn vốn từ đất, thời hạn sử dụng đất được giao tăng lên 50 năm. Do đó, trong thời gian qua, đa số nhân dân sản xuất nông nghiệp mạnh dạn đầu tư về vốn, liên doanh, liên kết, tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để áp dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả cao; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các loại giống chất lượng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại Bình Phước có giá trị khá cao sau khi Luật Đất đai năm 2013 được thông qua. |
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ lực như: Khoa học công nghệ về công tác giống; về ứng dụng thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; về chế biến, bảo quản nông sản; về xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn. Khuyến khích thực hiện liên kết với các viện, trường, trạm nghiên cứu để tìm kiếm công nghệ, ứng dụng mới áp dụng phục vụ cho phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; đồng thời đăng ký, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn ngành nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với việc quy định, mở rộng các quyền của người sử dụng đất, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo điều kiện cho người dân thế chấp, vay vốn mở rộng sản xuất trong nông nghiệp. Nhờ đó đã khuyến khích người dân tập trung và tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khác để đầu tư sản xuất; người dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa (năm sau cao hơn năm trước), xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả.