Bình Dương: Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững

Tường Tú| 06/05/2021 11:25

(TN&MT) - Để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, Bình Dương tiếp tục khẳng định quan điểm về bảo vệ môi trường (BVMT) với định hướng phát triển công nghiệp, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và tăng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm

Thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT Bình Dương đã ký kết các Nghị quyết Liên tịch với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Dương để phối hợp hành động về BVMT, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Cuối năm 2020, Sở TN&MT cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục nghiên cứu ký kết Nghị quyết phối hợp để thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Sở TN&MT, các yêu cầu về BVMT đã được tỉnh Bình Dương chú trọng lồng ghép vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, Đề án xử lý chất thải y tế, Đồ án quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn, Quy hoạch thoát nước, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Quy hoạch sử dụng đất.... Các đồ án, đề án, quy hoạch này là căn cứ để các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Danh mục các ngành nghề, các vùng, các địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và các biện pháp phòng ngừa, xử lý. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bình Dương ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến và hạn chế thu hút đầu tư các dự án mới bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời có kế hoạch thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cơ sở đã đầu tư vào khu vực phía Nam của tỉnh.

Sở TN&MT Bình Dương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh cũng đã thường xuyên có hướng dẫn, đôn đốc nhắc nhở chủ đầu tư các dự án sau khi được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải thực hiện các công trình BVMT theo quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những dự án chậm thực hiện, từ đó đã nâng cao số cơ sở được xác nhận hoàn thành các công trình BVMT theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức.

Đối với các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án thoát nước bên ngoài hàng rào KCN Việt Hương 2 và các dự án thoát nước tại các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp và đông dân cư. Đồng thời, tỉnh Bình Dương còn tiếp tục phối hợp với các địa phương giáp ranh, như: TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước để giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, các khu vực ô nhiễm, như: kênh Ba Bò, suối Sịp, khai thác cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng và các vấn đề mà người dân còn bức xúc.

Đặc biệt, Bình Dương cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực quan trắc môi trường. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 103 trạm quan trắc nước thải tự động để kiểm soát 24/24 đối với 85% lượng nước thải công nghiệp, 19 trạm quan trắc khí thải tự động, 36 trạm quan trắc nước dưới đất tự động và 5 trạm quan trắc nước mặt, thủy văn tự động. Đồng thời, Bình Dương còn xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường của gần 8.500 cơ sở trên địa bàn tỉnh trên Cổng thông tin Quản lý môi trường Bình Dương trực tuyến (https://stnmt.binhduong.gov.vn:9002).

Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương, các Sở, ban, ngành và các địa phương đã tập trung chỉ đạo và phối hợp thực hiện tốt, ban hành và hoàn chỉnh các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ, nhất là các quy hoạch, kế hoạch, đề án, phương án làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo. Về cơ bản, tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ đạt yêu cầu, tất cả 10/10 chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch BVMT của tỉnh Bình Dương và Chiến lược BVMT Quốc gia đều đã đạt và vượt mức, chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể.

Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Đầu tư thêm hệ thống quan trắc tự động

Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ chú trọng xây dựng các phương án BVMT trong việc lập Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bình Dương sẽ triển khai thực hiện phân vùng môi trường với định hướng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tại địa phương; thiết lập cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây ảnh hưởng đến môi trường từng khu vực.

Tỉnh Bình Dương cũng sẽ thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dự án dựa trên các tiêu chí về môi trường; không bố trí các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư mới ở những khu vực đô thị, đông dân cư; xây dựng lộ trình di dời đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã đi vào hoạt động nằm xen lẫn trong khu đông dân cư và chuyển đổi công năng phù hợp, ưu tiên phát triển mảng xanh, công viên và các công trình công cộng phục vụ dân sinh hoặc phát triển thành các đô thị sinh thái.

Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt, thực hiện nghiêm quy định quan trắc chất thải tự động đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án thường xuyên vi phạm pháp luật về BVMT. Đồng thời, điều tra, lập danh sách các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, danh sách các cơ sở kinh doanh, thu gom, phân loại phế liệu trong khu vực đô thị; yêu cầu các cơ sở này lập và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng các công trình về thu gom, xử lý nước thải đô thị, các dự án về tiêu thoát nước cho các khu vực tập trung đông dân cư; có cơ chế hỗ trợ đấu nối nước thải sinh hoạt đô thị để tăng tỷ lệ đấu nối nước thải vào các công trình thu gom, xử lý nước thải đô thị; yêu cầu tất cả các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp phải đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Bình Dương cũng sẽ đầu tư hệ thống quan trắc tự động không khí và ứng dụng các mô hình dự báo, lập bản đồ ô nhiễm đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, thiết lập hệ thống cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử của ngành TN&MT Bình Dương và từng địa phương hoặc trên các thiết bị điện tử thông minh; đồng thời, đẩy mạnh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo tính chất và phương thức xử lý để thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế; thực hiện hiệu quả các chương trình “chống chất thải nhựa”.

Đặc biệt, Bình Dương sẽ xây dựng, ban hành lại quy định BVMT tỉnh Bình Dương trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó quy định một số nguyên tắc trong việc thu hút các dự án đầu tư, hạn chế thu hút các dự án có ngành nghề ô nhiễm cao, chuyển giao các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, phát sinh nhiều chất thải, hạn chế bố trí các dự án đầu tư tại các khu vực không còn khả năng chịu tải về môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường.

Sở TN&MT Bình Dương sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực BVMT. Trước mắt, Sở TN&MT sẽ đầu tư lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động không khí, nước mặt, nước dưới đất và các nguồn thải; nâng cấp hạ tầng cơ sở thông tin, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu môi trường để tiếp nhận, chia sẻ, công khai các dữ liệu về môi trường đến mọi tổ chức và người dân để được biết và cùng tham gia kiểm tra, giám sát; số hóa các dữ liệu, số liệu quản lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật trong dự báo, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung bảo vệ môi trường, phát triển Bình Dương bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng sống của người dân; đồng thời, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh Bình Dương cũng sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức phù hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương theo đúng lộ trình đề ra, để tạo động lực phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO