Biến đổi khí hậu

Bình Dương: Chú trọng giảm phát thải khí nhà kính

Nguyễn Tú 27/08/2024 - 10:50

(TN&MT) - Cùng với quá trình phát triển thì tác động của nó cũng làm gia tăng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh Bình Dương đã và đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hoà carbon, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiềm năng cắt giảm

Bình Dương là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù đã có những tác động của sự cạnh tranh và xung đột thương mại trên thế giới và khu vực, tỉnh Bình Dương vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, bình quân là 9,35%/năm. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 10.963ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 790 ha, trong đó, có 59.484 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 627 nghìn tỷ đồng và 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 39,7 tỷ USD.

binhduong-copy.jpg
Bình Dương chủ động, tích cực triển khai thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì mặt trái của nó cũng làm gia tăng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả kiểm kê cho thấy, tổng khối lượng khí nhà kính phát thải trên địa bàn tỉnh là hơn 20.000 tấn CO2 tương đương/năm, trong đó, lĩnh vực năng lượng cố định chiếm 70%, lĩnh vực giao thông chiếm 18%, lĩnh vực xử lý chất thải 7%, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm chiếm 4%, lĩnh vực nông lâm nghiệp 1%. Hiện tại, phát thải khí nhà kính của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 4,7% tổng phát thải của cả nước và bằng hơn 1/3 so với tổng phát thải của TP.HCM.

Theo Sở TN&MT Bình Dương, kết quả kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỉnh Bình Dương có lượng phát thải tương đối lớn nhưng có tiềm năng để cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực sử dụng năng lượng, xử lý chất thải và giao thông. Theo đó, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện được một số giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, như: Xây dựng và ban hành các kế hoạch về giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp cho việc triển khai thực hiện giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện đồng bộ và huy động được các nguồn lực cùng tham gia.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon với nhiều giải pháp, như: tiết kiệm và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện môi trường, tái chế và tái sử dụng chất thải, cải tiến công nghệ sản xuất, thực hành sản xuất sạch hơn và sản xuất bền vững. Trong đó, đối với lĩnh vực môi trường, Bình Dương đã chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác thu hồi năng lượng, tăng cường đầu tư sản xuất phân compost; thực hiện các biện pháp tăng tỷ lệ thu gom, đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh.

Hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật về hạn ngạch phát thải thị trường carbon trong nước chưa hoàn thiện và chưa có các hướng dẫn cụ thể. Dự kiến đến năm 2025 mới vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2027 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do vậy, việc áp dụng cơ chế bù trừ tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn và phải thông qua một số tổ chức, công ty nước ngoài thẩm tra, cấp giấy xác nhận như: Chi nhánh Công ty TNHH Sienmens tại Bình Dương thông qua Công ty Bureau Veritas - một Công ty của Pháp và được UKAS quốc tế công nhận, thẩm tra và xác nhận bù trừ carbon.

Giải pháp trọng tâm

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Trong thời gian tới, để góp phần giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu của toàn cầu hoá, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: Tổ chức kiểm kê, triển khai các biện pháp cắt giảm khí nhà kính đối với khoảng 350 doanh nghiệp trong danh sách phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng năng lượng tái tạo - điện mặt trời, năng lượng sinh khối - dùng nhiên liệu biomas thay thế nhiên liệu hoá thạch và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; tái chế, tái sử dụng chất thải.

Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng sẽ phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp trung hòa carbon, tái chế, tuần hoàn chất thải, tuần hoàn và tái sử dụng tài nguyên nước; phát triển nhiều dự án khu nhà cao tầng, các khu dân cư TOD, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với xu hướng tất yếu hiện nay là xây dựng các toà nhà, khu dân cư theo tiêu chí xanh như sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống, kết hợp trồng cây xanh, thảm cỏ, ứng dụng công nghệ thông minh để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên... cũng như phát triển các mảng xanh trong đô thị; phát triển diện tích rừng hiện có, trong đó, rừng đặc dụng 260ha, rừng phòng hộ 3.651ha, rừng sản xuất 6.794ha; phát triển thêm hệ thống cây xanh trồng xung quanh các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, khu dân cư đô thị…, bởi đây là các bể hấp thụ khí nhà kính sẽ giúp giảm lượng lớn khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Bình Dương cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vận tải chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính theo Kế hoạch số 3800/KH-UBND ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh Bình Dương nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông; tiếp tục chuyển đổi xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang sản xuất phân compost và đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2025, sẽ chấm dứt hoàn toàn việc chôn lấp chất thải; xây dựng và đưa vào vận hành khu công nghiệp xử lý chất thải với quy mô 400ha ở phía Bắc tỉnh Bình Dương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải.

Thời gian tới, để thuận lợi trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại địa phương, tỉnh Bình Dương đề xuất, kiến nghị bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về giảm khí nhà kính và thị trường carbon, trong đó, nêu rõ các giải pháp và trách nhiệm của đối tượng liên quan để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng cường tập huấn các quy định, kiến thức về giảm khí nhà kính, thị trường tín chỉ carbon cho các cơ quan quản lý của địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan; tăng cường kết nối vùng để giải quyết vấn đề về giảm khí nhà kính và phát triển cơ chế, thị trường tín chỉ carbon.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Chú trọng giảm phát thải khí nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO