Bình Định: Trạm trộn bê tông mọc lên tự phát

Mỹ Bình | 12/03/2020 17:34

(TN&MT) - Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định mọc lên trên đất thuê lại của Công ty An Bình nằm tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Vì thuê lại đất của Công ty khác, nên Trạm trộn bê tông này chưa thực hiện bất kỳ thủ tục thuê đất và hồ sơ môi trường đúng quy định pháp luật trước khi hoạt động.

Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định đang hoạt động khai thác đá và Trạm trộn bê tông nhựa tại khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Trạm trộn bê tông nhựa gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sinh sống gần đó bức xúc. Ngày 27/02/2020, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng bài “Bình Định: Núi Sơn Triều bị băm nát từng ngày” đã phản ánh về vấn đề này.

Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn

Ngoài Trạm trộn bê tông nhựa tại khu vực Phú Sơn, Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định còn hoạt động Trạm trộn bê tông nhựa khác nằm tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Điều đáng nói, Trạm trộn bê tông nhựa này hoạt động không có thủ tục thuê đất và hồ sơ môi trường cùng với các văn bản pháp lý liên quan khác đúng quy định pháp luật trước khi Trạm trộn bê tông đi vào hoạt động.

Khu đất mà Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định đang hoạt động Trạm trộn bê tông tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa vốn dĩ là của Công ty An Bình thuê đất nhà nước để hoạt động khai thác, chế biến đá. Tuy nhiên, nhiều năm nay mỏ đá của Công ty An Bình không hoạt động và chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, UBND tỉnh Bình Định cũng chưa có Quyết định thu hồi đất và Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty.  

Hoạt động Trạm trộn bê tông nhựa khói bay ngút trời 

Trước cơ ngơi bị bỏ hoang nhiều năm của Công ty An Bình, Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định thuê lại đất để hoạt động Trạm trộn bê tông mà chưa thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào về thuê đất và hồ sơ môi trường. Thế nhưng, chính quyền địa phương không hề hay biết, mới để Trạm trộn bê tông mọc lên tự phát của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định hoạt động trong thời gian dài.  

Khi vực Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định bụi bay mù mịt 

Làm việc với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Bốn – Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa khẳng định: Chắc Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định phải có thủ tục pháp lý đầy đủ mới dám hoạt động Trạm trộn bê tông tại khu đất Công ty An Bình, nếu không có cơ quan chức năng làm sao để hoạt động như vậy. Đề nghị PV xác minh lại thông tin kỹ hơn với Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định.

PV Báo TN&MT liên hệ với một lãnh đạo của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định. Vị này phân trần: Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định cần có nhu cầu mặt bằng làm Trạm trộn bê tông nhựa để thi công tuyến đường Ql.19, nên mới thuê lại đất của Công ty An Bình. Công ty chưa thực hiện thủ tục thuê đất và hồ sơ môi trường, chúng tôi cũng đang tìm hướng để hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định.

Khu vực tập kết đá thành phẩm để trộn bê tông 

Qua tìm hiểu, PV được biết Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định tại khu vực Tân Hòa không phải là trường hợp duy nhất doanh nghiệp này thuê đất lại của doanh nghiệp kia để hoạt động sản xuất trên địa bàn phường Nhơn Hòa.

Phần lớn những doanh nghiệp thuê đất lại đều nhập nhằng thủ tục thuê đất và hồ sơ môi trường, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất, gây thất thoát ngân sách cho nhà nước, nhân dân bất bình vì nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đường Ql.19 bị cày nát mỗi ngày. Trong khi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định không thể xử lý dứt điểm, khiến cho môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực khai thác chế biến đá, gỗ, bê tông của các doanh nghiệp tại phường Nhơn Hòa luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Trạm trộn bê tông mọc lên tự phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO