Hồ chứa nước Tà Niêng được xây dựng năm 2004 với lưu vực hứng nước 15,2 km2; dung tích toàn bộ 654.100 m3 để tưới cho 100 ha đất canh tác xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh (thuộc dự án Tái định cư hồ chứa nước Định Bình).
Sau 10 năm đưa vào vận hành khai thác lòng hồ đã bị bồi lấp. Đến năm 2013, nước trong hồ chỉ cung cấp cho 31 ha vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu bỏ trống. Năm 2014, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tổ chức nạo vét lòng hồ, khối lượng nạo vét khoảng 82.000 m3 .
Hồ chứa nước Tà Niêng xây dựng năm 2004 |
Kết thúc mùa lũ năm 2014 thì phần đã nạo vét bị cát, sỏi bồi lấp trở lại; đặc biệt, khu vực cửa cống lấy nước lại bị bồi lấp nhiều hơn. Năm 2016, hồ chứa nước Tà Niêng không tổ chức nạo vét mà nâng cao đập, tăng thêm gần 46,5 ngàn khối nước và tưới cho 31 ha lúa hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.
Tuy nhiên, mùa mưa lũ 2016 tiếp tục bồi lấp và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hàng năm, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tổ chức nạo vét cửa cống lấy nước để phục vụ tưới cho 31 ha vụ Đông Xuân.
Lưu vực hồ chứa nước Tà Niêng, huyện Vĩnh Thạnh có diện tích 1.520 ha (15,2 km2), thuộc địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định; trong đó, phần diện tích thuộc tỉnh Bình Định quản lý 652 ha (gồm rừng tự nhiên 405 ha, rừng trồng 33 ha, đất trồng cây ăn quả, cây hàng năm các loại 214 ha), phần diện tích tỉnh Gia Lai quản lý 868 ha chủ yếu là loại rừng trồng.
Trong 1.520 ha lưu vực hứng nước, chỉ còn 405 ha rừng tự nhiên (chiếm 27% diện tích lưu vực) là nguồn sinh thủy cho hồ chứa; phần diện tích còn lại 1.115 ha (Bình Định 247 ha, Gia Lai 868 ha) không những không sinh thủy cho hồ chứa mà còn là nguyên nhân di chuyển cát, sỏi trong lưu vực vào lòng hồ và gây bồi lấp ngày càng nghiêm trọng. Việc chống bồi lấp cho hồ Tà Niêng không thể thực hiện ngay; cần có những giải pháp đồng bộ; đặc biệt là phục hồi lại rừng phòng hộ trong lưu vực.
Khu vực hồ Tà Niêng có diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trồng cây ăn quả, cây hàng năm |
Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Vĩnh Thạnh lập kế hoạch chuyển dần diện tích rừng trồng, đất trồng cây hàng năm sang rừng phòng hộ trong lưu vực lòng hồ để giảm thiểu bồi lắng, khôi phục thảm thực vật, phục hồi nguồn sinh thuỷ cho lưu vực.
Đồng thời cho chủ trương nạo vét phần bồi lấp lòng hồ Tà Niêng; giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tổ chức thực hiện theo Điều 44 Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017 về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép; Điều 16 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; hướng dẫn cho nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.
Giao UBND huyện Vĩnh Thạnh lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Bổ sung nguồn nước cho khu tưới Tà Niêng từ suối Xem, đảm bảo tưới ổn định cho 31 ha hai vụ Đông Xuân và Hè Thu của xã Vĩnh Thuận theo hai phương án:
Phương án 1 là xây dựng mới đập dâng Tà Nhồn, dưới ngã ba nhập lưu suối Xem cách khu tưới khoảng 7,00 km, cao độ đỉnh đập dự kiến +105,00 m; Xây dựng đường ống thép dẫn nước dài 7,00 km để cấp nước 31 ha đất canh tác hồ Tà Niêng. Tổng mức đầu tư dự kiến 22 tỷ.
Phương án 2 là khảo sát nguồn nước hạ lưu suối Xem, sau Đập dâng Thác Hải; Sửa chữa, nâng cấp Đập dâng Thác Hải (Đập dâng đang cấp nước tưới 50 ha cho xã Vĩnh Quang và một phần thị trấn Vĩnh Thạnh); Xây dựng trạm bơm điện cấp nước tưới 31 ha vụ Hè Thu của xã Vĩnh Thuận. Tổng mức đầu tư dự kiến 7 tỷ.
Hồ chứa nước Tà Niêng bị bồi lắng cần được tải cạo, nạo vét lòng hồ |
Trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Vĩnh Thạnh lập kế hoạch chuyển dần diện tích rừng trồng, đất trồng cây hàng năm sang rừng phòng hộ trong lưu vực lòng hồ Tà Niêng để giảm thiểu bồi lắng, khôi phục thảm thực vật, phục hồi nguồn sinh thuỷ cho lưu vực. Đồng thời, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án: Bổ sung nguồn nước cho khu tưới Tà Niêng từ suối Xem, đảm bảo tưới ổn định cho 31 ha đất canh tác hai vụ Đông Xuân và Hè Thu xã Vĩnh Thuận theo 02 phương án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, lựa chọn phương án tối ưu, báo cáo UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nạo vét phần bồi lấp lòng hồ Tà Niêng: giao Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi; Điều 16 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.