Sáng 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra tàu thuyền neo đậu tại Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan, tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn. Tại đây, Chủ tịch động viên người dân phường Tam Quan Bắc có nhà giáp biển chuẩn bị phương án di dời người dân đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng lãnh đạo huyện An Lão đến kiểm tra khu vực Núi Gai, thôn Trà Cong, xã An Hòa có nguy cơ sạt lở. Nơi đây có 178 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, trong đó có 43 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao cần phải di dời. Cùng đó, Chủ tịch đi kiểm tra tuyến đường từ An Dũng đi An Vinh có nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao và chỉ đạo huyện An Lão chủ động triển khai ngay phương án chống sạt lở, ngập úng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng đi kiểm tra hồ chứa nước Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra công tác phòng chống bão các xã ven biển ở huyện Phù Mỹ và chỉ đạo huyện Phù Mỹ triển khai ngay phương án di dời người dân và tàu thuyền đến nơi an toàn và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và động viên, chia sẻ với ngư dân, đề nghị ngư dân nâng cao cảnh giác, tích cực phòng chống thiên tai.
Cũng trong sáng 26/9, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 (Noru) tại một số công trình giao thông, thủy lợi đang thi công, gồm: Đập dâng Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; kiểm tra tình hình tàu thuyền vào tránh trú bão ở Cảng cá Quy Nhơn, việc bốc dỡ hàng hóa và tàu thuyền ra vào Cảng Quy Nhơn.
Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc ứng phó với bão Noru. Bão Noru là cơn bão mạnh và rất nguy hiểm. Để ứng phó với cơn bão này, trên biển chú trọng vào việc kêu gọi tàu thuyền của Bình Định khẩn trương di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão, tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện còn có 258 tàu cá của bà con ngư dân Bình Định đang hoạt trong vùng nguy hiểm của bão, trong đó có 34 tàu nằm trong vùng di chuyển của bão, 224 tàu nằm phía ngoài vùng di chuyển của bão.
"Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Bình Định, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương liên lạc thông báo cho tàu thuyền, người nhà của chủ tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu cá cập cảng neo đậu phải tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân lên bờ để đảm an toàn tính mạng. Mưa bão dự báo kèm với gió lớn, mưa lụt nguy cơ sạt lở, lũ quét sau bão là rất cao. Do vậy, chúng ta phải tập trung rà soát để di dời dân cư ở các vùng nguy hiểm", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.
Trong ngày 26/9, UBND tỉnh Bình Định có Quyết định thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 gồm: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn – Trưởng ban Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh làm Trưởng ban. Trụ sở làm việc của Ban Chỉ đạo tiền phương tại UBND phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão một cách hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu các thiệt hại do bão gây ra.
Cũng trong chiều 26/9, Sở GD&ĐT Bình Định có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cho học sinh, học viên nghỉ học từ ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới để phòng tránh bão số 4 (bão Noru).