(TN&MT) - Rác thải vương vãi khắp nơi nhưng không được thu gom; việc chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm ngay trong khu dân cư diễn ra một cách tự phát; hóa chất thuốc bảo vệ thực vật dùng để trừ sâu, trừ cỏ không được xử lý… Đó là thực trạng đáng báo động về môi trường nông thôn hiện nay tại tỉnh Bình Định.
Nhức nhối vấn nạn rác thải
Tình trạng nhiều người dân đổ các loại rác thải (bao ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh…) và vứt xác gia súc, gia cầm chết trực tiếp ra môi trường đang diễn ra phổ biến tại nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Bình Định.
Nhiều bãi rác như: Bãi rác tự phát bên hông chợ Háo Lễ (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước); khu tập kết rác ven kênh phía sau chợ Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước); các bãi rác tự phát dọc tỉnh lộ 635, đoạn qua địa phận xã Cát Tường (Phù Cát); bãi rác ở đầu nguồn hồ chứa nước Hưng Long (xã An Hòa, huyện An Lão)… cứ ngày một phình to, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của chính người dân nông thôn. Ở nhiều xã khu vực phía Đông và phía Tây huyện Tuy Phước, nhiều thôn, xóm có đến hàng chục hộ dân mở trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay tại khu dân cư. Nước thải, phân từ các trang trại này xả trực tiếp ngay ra môi trường hoặc đổ ra ruộng lúa gây mùi hôi thối, khiến các hộ dân xung quanh luôn phải sống trong tình trạng “nín thở” vì môi trường bị ô nhiễm.
Nước thải từ các trang trại xả trực tiếp ra môi trường hoặc đổ ra ruộng lúa gây mùi hôi thối
Nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định nằm ngay trong khu dân cư, lại chưa có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải… nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng càng lớn. Có thể kể ra một số làng nghề tác động xấu đến môi trường như nghề nấu đúc kim loại (thị xã An Nhơn), chế biến tinh bột mì (ở huyện Tây Sơn và Hoài Nhơn), các làng nghề nấu rượu, làm bún…
Đặc biệt, nghề chế biến tinh bột mì gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nhất. Bởi quá trình chế biến, nước thải bột mì thấm vào đất, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân. Qua hoạt động quan trắc môi trường tại làng nghề chế biến tinh bột mì ở xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) cho thấy, nước thải tinh bột mì ở đây với hàm lượng chất hữu cơ, axit, nitơ, phốt pho, vi sinh vật, xianua... đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn.
“Phủ sóng” dịch vụ môi trường đến nông thôn
Ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết: “Hệ lụy xấu về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đang ở mức báo động. Đơn cử như chuyện nhiều thôn, xóm nông thôn trước đây có nguồn nước rất sạch nay đã xuất hiện mùi và nhiễm phèn không sử dụng được cũng không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, nhiều người dân phải mua nước đóng bình để đun nấu các bữa ăn là hệ quả dễ dàng nhận thấy nhất trên địa bàn nông thôn một số huyện của tỉnh Bình Định”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), thừa nhận: “Thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn là vấn đề nan giải, nhức nhối của nhiều xã trên địa bàn huyện Tuy Phước, chứ không riêng xã Phước Hiệp”.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và môi trường là tiêu chí mà hầu hết các địa phương khó thực hiện nhất. Theo ông Đức, trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của người dân. Đồng thời, tổ chức dịch vụ thu gom rác thải. “Ở những vùng chưa tổ chức được dịch vụ này, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ…” - ông Đức nói.
Bài và ảnh: XUÂN LAM