Biến thách thức thành cơ hội phát triển ở miền Tây

Hùng Long| 27/09/2020 21:44

(TN&MT) - Miền Tây đang trăn trở trước hiện trạng tổng lượng lũ Mekong năm nay suy giảm khoảng 35% so với lũ trước khi xảy ra đại hạn 2015 và các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn mặn gay gắt, để ổn định sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô tới lại nóng lên giữa mùa mưa lũ.

Kỳ 2: Khôi phục không gian trữ nước từ đầu nguồn

Sau ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, lượng mưa lưu vực Mekong tăng nhưng các chỉ lưu nguồn thuộc địa phận Tây Nguyên (Sê San, Srêpôk) chỉ xuất hiện lũ trên sông Cam Ly lúc 7h ngày 22/9 và một ngày sau đó đạt đỉnh xấp xỉ báo động 3 thì xuống dần. Lưu lượng lũ về miền Tây đang lên, dự báo sang tháng 10 chuyển biến nhanh hơn, khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng nhưng cũng chỉ dưới mức báo động 2, xấp xỉ năm ngoái. 

Tổng lượng lũ và nguồn lợi thủy sản tự nhiên sông Mekong đổ về miền Tây năm nay có dấu hiệu ngày càng suy kiệt

Vận hành đập đầu nguồn xả lũ, đón phù sa

Năm ngoái lũ kiệt. Đầu tháng 10, mực nước lũ trên sông Cửu Long ở mức báo động 1, tỉnh An Giang phối hợp tỉnh Kiên Giang và TP.Cần Thơ tiến hành xả đập Trà Sư - Tha La cung cấp phù sa, tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng hạ du, phạm vi ảnh hưởng trực tiếp khoảng 500.000ha trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, thuộc địa phận 10 huyện, thị của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ. Cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, phấn khởi vì riêng tỉnh này có tới 20.000ha đất trồng lúa được tiếp nhận phù sa, xổ mặn do nước biển xâm lấn vào mùa khô năm trước.

Việc xả lũ hai đập Tha La, Trà Sư là hoạt động thường niên kể từ khi xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) từ tháng 5/2000. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu là nhằm “điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91, bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, đảm bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông cho tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”, mấy năm gần đây lũ kiệt dần nên đập Trà Sư - Tha La được vận hành theo yêu cầu kiểm soát lưu lượng dòng chảy, giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn, đồng thời cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng.

Thường sau sau khi xả đập đầu nguồn này mực nước nội đồng tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ tăng thêm đáng kể. Khu vực tỉnh An Giang tăng khoảng 0,3m, khu vực TP.Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tăng thêm khoảng 0,2m. Dù vậy, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ canh tác ngay trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và các khu vực phụ cận hạ du vẫn xảy ra ngày càng trầm trọng. Do không gian trữ khoảng gần 100 tỉ m3 nước vốn có tại “túi nước” đầu nguồn miền Tây này không còn bởi quá trình phát triển công trình thủy lợi, đê bao khép kín, cải tạo đất, thâm canh lúa…

Đập tràn đầu nguồn gần đây đã được vận hành theo yêu cầu xả lũ, cung nước, phù sa, rửa mặn cho tiểu vùng Tứ giác Long xuyên

Tạo không gian trữ nước 

Cuối tháng 9 năm nay, biên độ lũ vẫn có xu hướng suy kiệt hơn trước nhưng do có nhiều khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa do hiện tượng El Nino đang chuyển sang trạng thái La Nina nên có thể việc xả lũ hai đập đầu nguồn này sẽ được tiến hành trong tháng 10. “Lũ ở ĐBSCL không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên nữa. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, UBND tỉnh An Giang đang trình Chính phủ, chờ Bộ ngành cho ý kiến về dự án xây hồ trữ nước ngọt và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn. Việc xây dựng hồ trữ ngọt tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên đang rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, cho biết.

Một hồ trữ lũ tự nhiên quy mô trên 3.000ha đặt ngay phía dưới khu vực đập tràn Tha La - Trà Sư nhằm giải quyết bài toán quản lý nước chủ yếu cho An Giang, Kiên Giang cũng như tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên đã được lên dự án từ sau khi miền Tây trải qua đại hạn lịch sử. Năm 2016, tỉnh An Giang phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam xác định thống nhất nghiên cứu mô hình. Thiết kế ban đầu, dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp. Với cao độ mặt đất khu vực dự án trung bình 1,26m, để hạ thấp cao độ xuống thành 0m, cần nạo vét hơn 137 triệu m3 đất. Hồ chứa dự kiến có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm. Đây là công trình nằm trong hệ thống thủy lợi của vùng, được quản lý bởi Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cùng việc nghiên cứu xúc tiến giải pháp trữ lũ tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, để khắc phục việc thiếu nước của đồng bào vùng cao Bảy Núi thường xảy ra vào mùa khô hạn, từ 2 năm trước, thực hiện chương trình thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã triển khai xây dựng thêm 5 hồ thủy lợi và 3 trạm bơm điện tại hai huyện vùng cao (Tri Tôn và Tịnh Biên), với tổng kinh phí hơn 360 tỉ đồng, để giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng chống cháy rừng (hơn 1.200ha), sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho 80.000 hộ.

Những công trình này được triển khai theo tiến trình xây dựng các khu trữ nước ngọt trong giai đoạn 10 năm tỉnh An Giang đang thực hiện. Để thực hiện trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô, UBND tỉnh An Giang cũng đang tập trung chỉ đạo vận động, khuyến khích xây dựng các mô hình trữ nước ngọt ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, doanh nghiệp làm trang trại hay HTX thì phải có nơi dự trữ nước ngọt; từng địa phương phải có nơi trữ nước ngọt; các tiểu vùng phải có nơi trữ nước ngọt gắn với sinh kế như trồng sen, rau thủy canh, nuôi cá, du lịch sinh thái, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Cùng với khôi phục không gian tích trữ nước, các biện pháp chống ô nhiễm, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để điều tiết cho tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và hạ du đang ngày càng được quan tâm thực hiện

Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước để điều tiết cho vùng

Cùng với các công trình trữ nước, tỉnh An Giang cũng đã tiến hành nhiều việc làm cụ thể nhằm chống ô nhiễm, bảo vệ nước mặt. Điển hình là việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 2 đô thị trung tâm của tỉnh, giảm thiểu đáng kể nguồn thải nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt đầu nguồn. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải cho TP.Châu Đốc, quy mô công suất 5.000m³/ngày đêm đã hoàn thành, đưa vào hoạt động; hệ thống xử lý nước thải cho TP.Long Xuyên, với quy mô công suất 30.000m³/ngày đêm cũng đang vận hành thử nhà máy 10.000m³/ngày đêm.

Ngoài giải pháp công trình, theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích sản xuất lúa, đặc biệt lúa Hè Thu chuyển sang các loại cây trồng cạn (xoài, chuối, hoa màu, trong đó có cây cao lương), nhằm tiết kiệm nước, hạn chế các tác động đến môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng từ BĐKH đến phát triển sản xuất. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, vụ Đông Xuân 2018-2019 và Hè Thu năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 3.682 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cây rau màu, cây ăn trái. Nuôi trồng thủy sản cũng đã được điều chỉnh quy hoạch tăng thêm 902ha, nâng tổng diện tích đến cuối năm nay lên 4.917ha nuôi trồng theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Những việc thực hiện các giải pháp tạo không gian tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn tại tỉnh đầu nguồn này đang diễn biến theo lộ trình “Hợp tác quản lý nguồn nước" đã được ký kết với tỉnh Kiên Giang và “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên" đã cùng các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và TP.Cần Thơ xây dựng dự thảo Đề án tầm nhìn chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến thách thức thành cơ hội phát triển ở miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO