Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, mưa gió mùa đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở Bangladesh, trong khi những đợt nóng cao điểm phá hủy khu vực Nam Á và châu Âu. Đồng thời, hạn hán kéo dài đã đẩy hàng triệu người ở Đông Phi đến bờ vực của nạn đói. Theo các nhà khoa học, phần lớn các thảm họa này là do biến đổi khí hậu gây ra.
Hiểu biết còn hạn chế
Ngày 28/6, một nhóm các nhà khoa học khí hậu đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Environmental Research: Climate, trong đó, tập trung xem xét kỹ lưỡng tác động của biến đổi khí hậu đối với những sự kiện thời tiết riêng lẻ trong hai thập kỷ qua. Nghiên cứu ghi nhận những cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu sẽ thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào và làm rõ những thông tin còn thiếu sót.
Nhà khoa học khí hậu Luke Harrington tại Đại học Victoria, Wellington (New Zealand), đồng tác giả nghiên cứu cho biết, đối với những đợt nắng nóng và mưa rất lớn, chúng ta ngày càng hiểu rõ về cường độ của những hiện tượng này đang thay đổi như thế nào do biến đổi khí hậu. Tuy vậy, mọi người lại ít hiểu biết hơn về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến cháy rừng và hạn hán.
Trong phần đánh giá, các nhà khoa học đã dựa trên hàng trăm nghiên cứu nhằm tính toán xem liệu biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến một sự kiện cực đoan, bằng cách sử dụng mô phỏng máy tính và quan sát thời tiết.
Hơn nữa, khoảng cách dữ liệu lớn giữa các nước thu nhập cao và các nước thu nhập trung bình, thấp khiến cho hiểu biết về những gì đang xảy ra ở những khu vực đó gặp nhiều khó khăn hơn.
Năm 2022 nóng hơn, nhiều lũ lụt hơn do biến đổi khí hậu
Với sóng nhiệt, biến đổi khí hậu đang làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Theo nhà khoa học môi trường Ben Clarke tại Đại học Oxford (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, khá nhiều đợt nắng nóng trên thế giới ngày càng dữ dội hơn và có nhiều khả năng do biến đổi khí hậu. Nếu trước đây, một đợt nắng nóng có 1/10 cơ hội xảy ra, hiện nay, khả năng này tăng lên gấp 3 lần và đạt đỉnh ở mức nhiệt độ cao hơn khoảng 1 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu.
Tháng 6 này, những đợt nắng nóng trên khắp Bắc Bán cầu từ châu Âu đến Mỹ làm rõ tính chính xác của những vấn đề được đề cập trong bài nghiên cứu của các nhà khoa học, trong đó, có tần suất của các đợt nắng nóng tăng cao.
Tại châu Á, Nhật Bản đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong gần 150 năm qua. Ngày 28/6, nhiệt độ tại thủ đô Tokyo vượt mức 35 độ C trong ngày thứ 3 liên tiếp. Khoảng 76 người đã nhập viện do thời tiết cực đoan ở Tokyo. Đây là đợt nắng nóng tháng 6 tồi tệ nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1875.
Trong khi đó, tuần trước, Trung Quốc đã trải qua trận lũ lụt trên diện rộng, sau khi hứng chịu những trận mưa lớn. Các đợt mưa lớn đang xuất hiện ngày càng phổ biến và dữ dội hơn do không khí ẩm hơn. Do đó, các đám mây bão cũng trở nên nặng hơn trước khi chúng vỡ ra thành nước và rơi xuống gây mưa. Tuy vậy, tác động không giống nhau giữa các khu vực, thậm chí có một số nơi không có đủ mưa.
Đối với hạn hán, các nhà khoa học lại gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thiên tai này. Một số vùng đã trải qua thời gian khô hạn liên tục. Theo nghiên cứu, nhiệt độ ấm hơn ở Tây Mỹ đang làm lớp băng tuyết tan chảy nhanh hơn và gây ra tình trạng bốc hơi...
Bên cạnh nắng nóng, mưa, lũ lụt và hạn hán, cháy rừng cũng trở nên trầm trọng hơn do chính các đợt nắng nóng và điều kiện hạn hán gây ra. Đặc biệt, có những đám cháy lớn - những vụ cháy rừng với diện tích hơn 100.000 mẫu Anh.
Hồi tháng 4 vừa qua, ngọn lửa lớn đã bùng lên khắp bang New Mexico (Mỹ), sau một đám cháy nhỏ vốn có thể kiểm soát được, nhưng lại xảy ra trong điều kiện khô hạn hơn mức cho phép nên đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Các đám cháy đã thiêu rụi 341.000 mẫu Anh (tương đương khoảng 138.000 ha).
Liên quan đến biến đổi khí hậu, ngày 27/6, Anh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập Liên minh Hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) nhằm giúp các quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021.
Bà Maria Neira, Giám đốc Cơ quan y tế, môi trường và biến đổi khí hậu của WHO nhấn mạnh: "Liên minh mới này nhằm duy trì động lực và thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu và y tế ở cấp quốc gia, ưu tiên hàng đầu việc giúp các nước thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và thực thi”.