Cordillera Huayhuash thuộc dãy Andes, Perus vào tháng 8/2019. Ảnh: UN News / Daniela Gross |
Các ngọn núi bao phủ khoảng 27% bề mặt Trái Đất và những khu vực miền núi là nơi cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như nước, thực phẩm và năng lượng. Khoảng 60-80% lượng nước ngọt trên thế giới đến từ những vùng này và đây cũng là nơi chứa nhiều cây trồng và vật nuôi được sử dụng làm thực phẩm và y học. Tuy nhiên, các hệ sinh thái vùng núi thường xuyên chịu áp lực bởi những thay đổi trong việc sử dụng đất và biến đổi khí hậu, hoặc do khai thác quá mức và ô nhiễm, do đó gây ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của người dân.
Phó Tổng giám đốc FAO Maria Helena Semedo cho biết: "Cứ 2 người nông thôn miền núi ở các nước đang phát triển thì có một người không có đủ lương thực và họ đang phải ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Chúng ta phải bảo vệ những ngọn núi và sinh kế của những người sống trong khu vực miền núi".
Nghiên cứu của FAO từ năm 2000 - 2017 cho thấy, ở các nước đang phát triển, số người miền núi dễ bị mất an ninh lương thực đã tăng từ 243 triệu lên gần 350 triệu người. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của thiên tai và xung đột vũ trang. Điều này cũng làm gián đoạn sinh kế hoặc phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà người dân miền núi phụ thuộc vào.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã khiến những khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn hơn vì các biện pháp chống dịch của các quốc gia đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của những cộng đồng sống phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch.
Các chuyên gia cho rằng cần có hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở các vùng núi. Đồng thời kêu gọi các nước đưa ra các chính sách cải thiện khả năng phục hồi các hệ sinh thái vùng núi và thúc đẩy hệ thống lương thực bền vững.