BIDV Bắc Hải Dương: Ban giám đốc và những người liên quan nói gì?

27/03/2014 00:00

(TN&MT) - Tại ngân hàng BIDV, chi nhánh Bắc Hải Dương xảy ra vụ việc cán bộ tín dụng tự nguyện trả hộ khách hàng 1 tỉ đồng để tất toán khoản vay đã quá hạn.

   
(TN&MT) -Như chúng tôi đã đưa tin, tại ngân hàng BIDV, chi nhánh Bắc Hải Dương xảy ra vụ việc cán bộ tín dụng tự nguyện trả hộ khách hàng 1 tỉ đồng để tất toán khoản vay đã quá hạn. Sau đó vì ngân hàng buộc phải trả sổ đỏ cho khách hàng theo quy định trong khi nhân viên này chưa thu hồi được khoản tiền tự nguyện kia nên mới làm đơn tố cáo ban lãnh đạo lên các cấp có thẩm quyền. Mọi chuyện đã dần sáng tỏ khi những người trong cuộc lên tiếng.
   
   

Cán bộ tín dụng non kém về nghiệp vụ
   
  Ngay sau khi có thông báo số 361/TB của Công an thị xã Chí Linh (Hải Dương) (ngày 23/10/2013) trả lời về đơn thư của ông Phạm Văn Kháng – cán bộ phòng thu hồi nợ ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương tố cáo hai vợ chồng ông Tuấn, bà Tiện có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ban giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương đã nhanh chóng triệu tập những người có liên quan tới vụ việc để làm rõ.
   
  Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Kháng trình bày, ngày 31/7/2014 đã đi vay 1 tỷ đồng ở bên ngoài về trả nợ hộ khách hàng (ông Tuấn, bà Tiện) với lí do “khách hàng nhờ vay giúp”. Nhưng vì ông Tuấn, bà Tiện không hoàn trả lại số tiền trên nên có khả năng phải bán toàn bộ gia sản của bố mẹ để trả nợ. Vì thế đề nghị ban giám đốc xem xét hủy bút toán giao dịch đó giúp ông Kháng thu hồi lại số tiền đã tất toán khoản vay giùm khách hàng.
   
  Nhưng bà Trần Thị Thúy, Giám đốc phòng giao dịch Sao Đỏ phản bác bằng quan điểm “tối ngày 31/7/2013, ông Kháng có gọi điện cho tôi để xin hủy bút toán giao dịch trả nợ cho khách hàng trên. Song tôi bảo không thể hủy được, vì món vay này đã quá hạn. Hơn nữa giao dịch trên không có gì là sai, không vi phạm các quy định của ngân hàng BIDV Việt Nam cũng như của pháp luật. Vì vậy, không có lý do để  hủy giao dịch đó cả”.
   
  Cùng có mặt trong cuộc họp, ông Nguyễn Văn Công – Phó Giám đốc ngân hàng, người trực tiếp ký hợp đồng tín dụng với ông Tuấn, bà Tiện cho biết: thông qua sự việc cho thấy Kháng còn non về nghiệp vụ. Vì nếu trước khi trả nợ hộ khách hàng, Kháng yêu cầu khách ký giấy vay nhận nợ 1 tỷ đồng thì rất thuận lợi cho sau này nếu không đòi được tiền. Khi đó Kháng sẽ có đầy đủ căn cứ để tố cáo ra công an hoặc khởi kiện khách hàng tại tòa án. Đây là sơ suất của Kháng chứ đừng hiểu nhầm cho rằng ban lãnh đạo cấu kết với khách hàng để chiếm đoạt tiền của nhân viên rồi từ đó làm đơn tố cáo gửi đi nhiều nơi như vậy, rất ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng BIDV Việt Nam nói chúng và BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương nói riêng.
   
  Ngoài ra ông Công còn cho biết trước khi xảy ra việc tất toán khoản vay hộ khách hàng thì Kháng có vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sai phạm về mặt nghiệp vụ nên đã bị thuyên chuyển công tác từ phòng tín dụng sang bộ phận thu hồi nợ.
   
   

Ai sai, ai đúng?
   
  Theo như trình bày của vợ chồng ông Tuấn, bà Tiện thì họ vay khoản tiền này để cho con trai làm ăn trong Nam là chủ yếu chứ thực tế lúc đó họ có 600 triệu tiền mặt rồi nên không cần vay nhiều như thế. Nhưng vì con trai không dùng tới nữa nên mới cho một người tên là Hoa (bà con nhà ông Kháng) ở thị trấn Nam Sách vay lại.
   
  Khi đến hạn phải trả (21/7/2013), bà Tiện giục bà Hoa tới ngân hàng làm thủ tục đáo hạn nhưng bà Hoa bảo không có tiền. Cực chẳng đã hôm sau bà Tiện mới phải tới ngân hàng để xin gia hạn thêm 6 tháng hòng tìm cách ép bà Hoa trả tiền cho ngân hàng.
   
  Sáng ngày 31/7/2013, ông Kháng gọi ông Tuấn, bà Tiện lên phòng ông Công – Phó Giám đốc để làm thủ tục đáo hạn đồng thời ký hợp đồng vay vốn mới nhưng ông Công không cho ký vì lúc đó chưa tất toán khoản vay cũ nên không thể ký hợp đồng vay mới được. Đến 17h10, ngày 31/7/2013 thì ông Kháng tự nguyện chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản của ông Tuấn để trả nợ ngân hàng hộ ông Tuấn, bà Tiện.
   
  Khi được hỏi “Tại sao cho khách hàng vay tiền trên tinh thần tự nguyện như vậy?”, ông Kháng cho biết: do tin tưởng vào sự đảm bảo của lãnh đạo trong việc sẽ giữ lại bìa đỏ đồng thời cho phép khách hàng ký hợp đồng vay vốn ngay sau khi tất toán khoản vay “quá hạn” kể trên nên mới làm như vậy. Giờ bình tĩnh lại tôi thấy ông Công không chuẩn, bởi đã quá hạn thì khách hàng không được vay lại ngay lập tức mà phải có đơn và đợi ban giám đốc xem xét. Đằng này, chỉ một ngày sau khi tất toán khoản vay quá hạn mà ông Công đã cho phép khách hàng vay tiếp thì tôi thấy không đúng.
   
   
    
   Về vấn đề này, ông Công cho biết “theo quy định của ngân hàng thì nếu một món vay để quá thời hạn tất toán từ 90 ngày trở nên mới bị coi là nợ xấu, còn quá 10 ngày như trong trường hợp của vợ chồng ông Tuấn, bà Tiện thì không hề gì, vẫn được vay lại bình thường”. Ông Công không bình luận thêm về quan điểm xử lý tiếp theo như thế nào mà chỉ nói chung chung “cứ để cho các đơn vị chức năng họ làm, chúng tôi vẫn đang chờ kết luận chính thức từ ngân hàng BIDV Việt Nam”.
    
   Kết luận sự việc này, ông Bùi Xuân Như, giám đốc chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương nêu rõ: “Việc ông Kháng đề nghị ngân hàng hủy bỏ giao dịch đã thực hiện theo đúng các quy định là không có căn cứ và không thể thực hiện được” bởi đây là do ông Kháng tự nguyện trả tiền thay cho món vay đã quá hạn và khách hàng cũng không có yêu cầu hủy giao dịch nên ngân hàng không có lí do gì để làm việc đó.”
   
  Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
   
        
Ông Nguyễn Văn Công – Phó GĐ BIDV Bắc Hải Dương: Tại sao không thể hủy giao dịch để thu hồi số tiền 1 tỉ đồng cho ông Kháng được bởi vì đây không phải là giao dịch nhầm mà là giao dịch có chủ đích rất rõ ràng, hoàn toàn đúng với các quy định của ngân hàng và pháp luật. Hơn nữa ông Kháng cũng nói rõ trong đơn tố cáo là vay tiền để trả tiền cho khách hàng. Nên ngân hàng không thể hủy được.
        
    
Mạnh Hưng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BIDV Bắc Hải Dương: Ban giám đốc và những người liên quan nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO