Bến Tre: Tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh dịch Covid-19

Bạch Thanh| 11/08/2021 17:34

(TN&MT) - Hơn tháng qua, trong bối cảnh dịch bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhanh, quyết liệt, tăng cường các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, ổn định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời tập trung dồn sức phòng chống dịch bệnh, nhằm sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại đại phương

Phòng chống dịch bệnh gắn bảo vệ môi trường

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã tăng cường lực lượng chi viện cho các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ chuyên môn, góp phần tăng hiệu quả điều trị, nhằm giảm tải cho tuyến cuối. Riêng tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đảm trách nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ các y, bác sĩ tại các bệnh viện đã và đang nỗ lực quyết liệt bằng nhiều biện pháp điều trị, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Theo ông Ngô Văn Tán - Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều gặp áp lực khi bệnh nhân Covid-19 gia tăng. Số lượng bệnh nhân đông, lực lượng y, bác sĩ phải nỗ lực gấp 3-4 lần bình thường để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và Ban Giám đốc Sở Y tế luôn động viên anh chị em cố gắng, nỗ lực hơn nữa vì sức khỏe của người dân.  

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã yêu cầu các cấp, các ngành siết chặt quản lý tại khu cách ly tập trung với tinh thần “bao chặt vòng ngoài, tập trung vòng trong, phát hiện F0, truy vết các F”. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong phòng dịch. Trong công tác phòng chống dịch đảm bảo an toàn đến sức khỏe, tính mạnh và đời sống người dân. Đối với các doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra chặt chẽ hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp nào không đảm bảo thì buộc dừng hoạt động.

Lấy mẫu tầm soát dịch bệnh Covid-19

Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Bến Tre vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện, khu điều trị, khu cách ly tập trung tăng cao, phát sinh lượng lớn chất thải y tế, chất thải sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua nguồn chất thải là rất lớn. Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khoẻ của người dân.

Trước tình hình trên, các Sở, ngành và các địa phương có kế hoạch tăng cường nắm tình hình về hoạt động quản lý; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở khám, điều trị bệnh nhân Covid-19, các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn và địa điểm cách ly tại nơi cư trú. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cũng đã làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác xử lý chất thải, nước thải trong các bệnh viện, cơ sở khám, điều trị bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, phòng ngừa lây lan dịch bệnh qua nguồn chất thải.

Thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất

Tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, trong đó việc tiêu thụ nông sản tại địa phương. Để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, tỉnh Bến Tre đã triển khai các giải pháp tích cực tạo thuận lợi cho thương lái và bà con nông dân thu hoạch, kết nối giữa các hợp tác xã, tổ chức, nông dân với các doanh nghiệp và đầu mối thu mua, tiêu thụ cho bà con đảm bảo hài hòa giữa công tác phòng, chống dịch với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương tiến hành rà soát, thống kê sản lượng các loại nông sản chủ lực để tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành có kế hoạch, phương án hỗ trợ tiêu thụ. Đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa Covid-19.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre còn đề xuất Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua đa dạng các kênh như: sàn thương mại điện tử, kinh doanh online, liên kết tiêu thụ theo vùng, khu vực và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh cần có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gắn với từng vùng nguyên liệu để đảm bảo người nông dân được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong lâu dài.

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt người và phương tiện lưu thông trên địa bàn

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã ban bành kế hoạch về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Thông qua đó, các Sở, ngành và địa phương tổ chức rà soát các vùng nguyên liệu sản xuất, thường xuyên cập nhật thông tin về tiểu vùng, diện tích sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch để phối hợp xây dựng phương án tiêu thụ nông sản theo tiến độ thu hoạch. 

Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và thu hoạch nông sản. Sở Công Thương làm đầu mối kết nối và hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành nghiên cứu, đổi mới cơ chế huy động các nguồn lực cho tỉnh nhằm huy động các nguồn lực hiệu quả hơn. Đồng thời rà soát các lợi thế về kinh tế biển, năng lượng gió, đầu tư hệ thống cảng biển, các dự án khí hóa lỏng. Tận dụng lợi thế của người đi sau, rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước để thu hút các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án, khai thác tốt tiềm năng, phát triển đột phá kinh tế địa phương.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO