Tài nguyên nước

Bến Tre : Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Thanh Bạch 06/06/2024 - 08:57

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, nhất là tập trung trung đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ động, linh hoạt thích ứng

Là địa phương có đường bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt, dù được quan tâm đầu tư trong thời gian qua nhưng đến thời điểm này, hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, rạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa được hoàn chỉnh, chưa khép kín. Vậy nên vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

h2..jpg
Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phát huy hiệu quả

Trước thực trạng trên, để từng bước thích ứng, người dân Bến Tre đã có những cách làm mới, khoa học hơn trong việc ứng phó với hạn mặn. Thực tế cho thấy, vào mùa khô vừa qua, người dân đã linh động tích trữ nước bằng nhiều hình thức khác nhau như: ống hồ, bồn chứa, túi chứa, trữ nước trong mương vườn, đào hố trải bạt đắp các công trình tạm để trữ nước trong các kênh, rạch tự nhiên.

Ông Văn Minh Lê - xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho hay, là địa phương ven biển nên thường xuyên đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, rút kinh nghiệm từ các đợt mặn mùa khô các năm trước, gia đình ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây gần 20 ống bi hồ chứa nước mưa bằng bê tông dùng cho sinh hoạt. Ông còn sớm tích trữ nước ngọt trong các mương vườn, đến thời điểm này lượng nước ngọt đảm bảo phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

Còn tại vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng và cây giống, trong năm vừa qua, gia đình ông Lê Văn Hậu - xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách cũng đã đầu tư xây dựng 3 hồ, mỗi hồ sức chứa khoảng 300m3 nước ngọt phục vụ cho sản xuất cây giống. Ngoài trữ nước trong hồ chứa, rất nhiều người dân nơi đây còn biết tận dụng các kênh, mương xung quanh khu vườn để nạo vét, đóng lại các cửa cống tạo thành các hồ tạm lớn để tích trữ nước mưa, nước ngọt. Với nguồn nước tích trữ khá lớn này, mùa khô vừa rồi, người dân có đủ nguồn nước ngọt sử dụng cho việc tưới cây trồng.

Phát huy hiệu quả các công trình

Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, đứng trước những áp lực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

h1-1-.jpg
Người dân linh hoạt trong trích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Đáng lưu ý nhất là vào đầu năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình số 10 về quản lý, bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2030. Đến nay, sau gần 4 năm tổ chức thực hiện, tiến độ triển khai các công trình, dự án bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều khởi sắc.

Cụ thể hơn về nhiệm vụ này, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Các dự án, công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, cơ bản kiểm soát được nguồn nước. Điển hình là các công trình thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Đồng thời, công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực.

Đối với dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm. Riêng dự án Hệ thống cống cũng đã kiểm soát được mặn ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Hồ chứa nước Kênh Lấp được đầu tư xây dựng năm 2016, với dung tích thiết kế trên 810.000m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri. Cùng với đó, dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với dung tích thiết kế 2,3 triệu m3 dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.

Tuy vậy, ông Bùi Văn Thắm cho rằng, do nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế dẫn đến hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh hiện vẫn chưa được khép kín, nên địa phương chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Trước tình hình đó, tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư một số công trình trọng điểm cho tỉnh và kiến nghị hỗ trợ tỉnh nghiên cứu, đánh giá tính khả thi dự án cống điều tiết nước trên sông Hàm Luông nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre : Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO