PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Bùi Minh Tuấn:
Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có thời điểm diễn biến phức tạp, nhưng các sở, ngành, địa phương đã có sự quyết tâm thực hiện các giải pháp xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn. Lực lượng chức năng cũng đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trên các tuyến sông, khu vực ven biển.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản cũng đã được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Công tác vận động người dân tham gia bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được đẩy mạnh, đặc biệt là các mô hình tổ bảo vệ được hình thành ngày càng nhiều, hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Có thể nói, tình hình hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến thời điểm hiện tại cơ bản được kiểm soát, không để hình thành điểm nóng. Tuy vậy, có thời điểm, có nơi còn diễn biến phức tạp, số lượng phương tiện tập trung đông tại một số điểm gây dư luận bức xúc trong người dân.
Đối với công tác quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh, mua bán, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, một số ngành, địa phương có tổ chức thực hiện nhưng giải pháp chưa căn cơ, việc phối hợp xử lý chưa hiệu quả. Những khu vực được khoanh định để tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản là những khu vực có trữ lượng cát lớn, nhưng việc triển khai các biện pháp bảo vệ không hiệu quả dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra.
PV: Ông có thể nói rõ hơn, đâu là nguyên nhân của các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý về khoáng sản nêu trên?
Ông Bùi Minh Tuấn:
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với 4 tuyến sông lớn giáp ranh với các địa phương lân cận là điều kiện thuận lợi cho các phương tiện thủy hoạt động. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép trên tuyến sông lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm, luôn tìm mọi cách để đối phó, chống đối với hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương.
Bên cạnh, số lượng phương tiện thủy hoạt động khai thác cát nhiều, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp thống nhất để quản lý hiệu quả đối với số phương tiện thuỷ này. Người dân sử dụng phương tiện để hành nghề bơm hút cát trái phép đa số là hình thành tự phát, chưa có cơ chế quản lý hay hướng dẫn của cơ quan chức năng, đến nay chưa có hình thức quản lý phù hợp.
Hiện tại, nhu cầu sử dụng cát san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng cao, nhưng nguồn cung cát khai thác hợp pháp tại các mỏ còn hạn chế. Việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn do địa bàn hoạt động khai thác trên sông nước, chủ yếu vào ban đêm. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra còn mỏng, phương tiện phục vụ kiểm tra chủ yếu thuê mướn từ các hộ dân.
PV: Vậy, địa phương sẽ có những giải pháp nào để quản lý, sử dụng hiệu quả khoáng sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững?
Ông Bùi Minh Tuấn:
Thời gian tới, để đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ cát sông, nhất là làm tốt công tác vận động, yêu cầu chủ đầu tư các công trình, dự án phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Sở TN&MT Bến Tre tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh kiểm tra trách nhiệm quản lý khoáng sản đối với các địa phương nơi có tình trạng khai thác trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tập kết cát không có nguồn gốc hợp pháp kéo dài nhưng không xử lý; triển khai các đợt kiểm tra để phòng ngừa, xử lý nghiêm các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực cửa sông, ven biển, nhẩt là khu vực giáp ranh với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, tránh để xảy ra điểm nóng, phức tạp, gây bức xúc trong người dân.
Để chủ động nguồn tài nguyên khoáng sản - cát san lấp phục vụ cho các công trình trọng đểm cấp bách trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Sở TN&MT Bến Tre hiện đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường cát sông tại 6 khu vực mỏ cát trên địa bàn các huyện Châu Thành, Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Bình Đại.
Hiện nay, điều quan tâm nhất là rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp, chủ yếu là ao nuôi thủy sản, đất gò, đất mặt ruộng, đất ngư trường để sản xuất, canh tác mang hiệu quả hơn. Trong khi đó, cũng có những tổ chức, cá nhân muốn tận thu sản phẩm này để san lấp các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác. Song, theo quy định hiện hành, chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồ sơ, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất, cát pha sét.
Do đó, để có cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện cải tạo đất nông nghiệp nhằm sản xuất, canh tác có hiệu quả và tận thu sản phẩm để sử dụng mục đích san lấp các công trình hoặc sử dụng vào khác theo đúng quy định hiện hành, từ đó góp phần triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững, vừa qua, tỉnh Bến Tre đã có văn bản kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục và nghĩa vụ tài chính để địa phương căn cứ thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!