Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam (bìa trái) và đại diện Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trao dụng cụ trữ nước cho dân nghèo |
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Lê Văn Gặp – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, cuối năm 2019, đầu năm 2020 tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn sớm và sâu, đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre.
Qua đó, các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bến Tre đã và đang vào cuộc bằng nhiều giải pháp, để giúp nhân dân khắc phục và hạn chế tối đa những thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Gặp, đến thời điểm hiện tại, tình hình nước mặn đã phủ khắp toàn tỉnh Bến Tre, tính chất gay gắt và khốc liệt hơn so với đợt mặn lịch sử năm 2016, và có khả năng kéo dài khoảng 3 tháng nữa. Nếu như chủ quan, không đề ra các giải pháp cấp bách để ứng phó với hạn mặn thì những khó khăn, thiệt hại sẽ khó lường.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tại chương trình phát động, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre Lê Văn Gặp kêu gọi trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Bến Tre hãy chung tay thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống, ứng phó hạn hán trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.
Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hỗ trợ vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước cho người nghèo Bến Tre |
Dịp này, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hỗ trợ các chuyến tàu vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tặng 200 bồn trữ nước loại 500 lít, 500 bình nước uống loại 20 lít và chuyến tàu cấp 250 m3 nước ngọt. Ngoài ra, còn nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã trao tặng hàng ngàn dụng cụ chứa nước cho gia đình chính sách, dân nghèo tỉnh Bến Tre.
Được biết, hiện tại xâm nhập trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang diễn biến phức tạp. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông 60km; trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn trung bình trên 2‰ ở hầu hết các huyện, thành phố.
Qua thống kê của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng; tình hình nuôi thủy sản đang gặp khó khăn, có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên; cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt, do hết nguồn nước dự trữ.