Bến Tre: Nhiều giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

28/03/2019 18:24

(TN&MT) - Ngay từ đầu mùa khô năm nay, các ngành chức năng phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre tập trung lãnh chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. 

H1
Hiện các cống đập tại Bến Tre đã được đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân

Hiện các cống đập trong hệ thống kênh mương nội đồng ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đã được đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Địa phương ven biển này có hơn 11.000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đồng được bà con nông dân tích cực chăm sóc, cung ứng nước nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Gia đình anh Lê Hữu Trí, ngụ ấp Bến Vựa Nam, xã Vĩnh Hòa (Ba Tri) cũng tất bật bơm nước từ kênh lên đồng  nhằm cung ứng nước cho hơn 1 ha đất trồng lúa của gia đình. Anh Trí cho biết: “Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn làm đồng và trổ bông, rất cần nhiều nước nên ai cũng tranh thủ bơm vào ruộng. Nhờ hệ thống cống thủy lợi đóng khép kín nên có được nguồn nước ngọt ổn định, đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt”.

Ông Hồ Văn Thương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết, trong năm qua, ngành nông nghiệp huyện Ba Tri đã phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre tiến hành nạo vét 155 tuyến kênh với chiều dài 138 km, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng để phục vụ sản xuất của bà con nông dân.

Cũng theo ông Thương, vụ Đông Xuân năm nay mặc dù ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên xuống giống lúa nhưng bà con vẫn sản xuất với tâm lý không để đất trống. Ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện Ba Tri thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn bảo vệ diện tích lúa đã xuống giống. Đến thời điểm hiện tại vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho bà con và chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

H2
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp xử lý kịp thời

Tại huyện Giồng Trôm, ngay từ đầu năm 2019, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND huyện có giải pháp ứng phó với hạn, mặn. Hơn một tháng nay, cống Sơn Đốc 1 và Sơn Đốc 2 được đóng lại để trữ nước, bảo vệ diện tích cho hơn 10.000 ha lúa, dừa, cây ăn trái và phục vụ sinh hoạt của người dân tại hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Hàng ngày, nhân viên tại công trình đều đo độ mặn 2 lần để kịp thời báo cáo về trên và có giải pháp ứng phó kịp thời. Hiện tại, độ mặn phía ngoài cống trên 2‰ còn phía trong dưới 1‰ nên đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT có kế hoạch phòng chống hạn mặn và triển khai đến các sở, ngành, địa phương biết về công tác phòng chống. Sau khi có kế hoạch, từng địa phương triển khai xuống các xã và bà con nông dân để tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống hạn mặn trên cây trồng khi có mặn xâm nhập để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nay nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền tại tỉnh Bến Tre. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 40 km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến xã Mỹ Thành (TP. Bến Tre) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56 km.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 như: đắp đập ngăn mặn cục bộ, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng thiếu nước, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Nhiều giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO