Bến Tre: Ngành nông nghiệp ước thiệt hại trên 1.243 tỷ đồng do hạn mặn

Bạch Thanh| 11/06/2020 15:29

(TN&MT) - Ngày 11/6, tỉnh Bến Tre phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước - trong và sau hạn mặn năm 2020”. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo báo cáo tại Hội thảo, trong thời gian qua, trước tình hình diễn biến của hạn mặn phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai, quán triệt đến các ngành, các cấp, xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn xấu nhất có thể xảy ra. 

Cùng với đó, đã nạo vét được khoảng 260 km kênh mương nội đồng với tổng khối lượng gần 840.000 m3; sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cống và 06 bờ bao; ngoài ra còn nhiều công trình bờ bao, đập tạm ngăn mặn cục bộ do người dân tự thực hiện tại các địa phương. 

Đồng thời, đưa vào vận hành Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng gần 01 tiệu m3 nước; thực hiện đắp 17 công trình đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt, trong đó đắp khẩn cấp 06 đập tạm để ngăn mặn khu vực sông Ba Lai; và một số công trình đập tạm quy mô nhỏ, bờ bao ngăn mặn cục bộ do các xã và người dân chủ động thực hiện...

Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, năm 2020 nền sản xuất nông nghiệp tỉnh Bến Tre phải đối mặt với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn rất khốc liệt, mặn xâm nhập sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao có thời điểm trên 10‰, thời gian kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, đến nay ước giá trị thiệt hại trên hơn 1.243 tỷ đồng.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng ở Bến Tre

Tại Hội thảo, các nhà khoa học và nhà nông đều có chung góc nhìn: Hạn mặn, diễn biến thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục tái diễn. Bên cạnh các giải pháp công trình, quy hoạch do nhà nước triển khai thì nhà nông cần chủ động chuyển đổi giống, cây trồng phù hợp với từng vùng đất, bám sát diễn biến thời tiết, thường xuyên đo độ mặn để ứng phó kịp thời. 

Trong đó, nền tảng nông nghiệp hữu cơ là giải pháp vừa phù hợp tự nhiên vừa có cơ sở khoa học giúp cây trồng phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Trong quá trình xử lý giải mặn, phục hồi vườn cây theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc, hóa chất để phòng ngừa nắm bệnh...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam đánh giá cao các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nông cùng phối hợp tổ chức và tham gia hội thảo kịp thời, hiệu quả theo đúng chủ trương của tỉnh là phát triển xanh, sạch, hữu cơ, chung sống hòa bình với thời tiết và biến đổi khí hậu. 

Ông Trần Ngọc Tam cũng đề nghị các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật phù hợp, ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Ngành nông nghiệp ước thiệt hại trên 1.243 tỷ đồng do hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO