Chuyển biến tích cực
Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai có ý nghĩa sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Bến Tre nói riêng.
Qua hơn 9 năm thực hiện, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định; công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nền nếp và từng bước ổn định.
Cùng với đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai luôn được tỉnh quan tâm. Hiện, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính, từng bước triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ngành TN&MT.
Đến nay, đã có 9/9 huyện, thành phố với 157/157 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được đo đạc thành lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký và cấp Giấy chứng nhận. Công tác đăng ký đất đai đã cơ bản hoàn thành 100%, góp phần hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đạt 100% cấp xã, phường, thị trấn được đưa vào quản lý, vận hành tập trung. Công tác quản lý hồ sơ đất đai, lưu trữ hồ sơ địa chính khoa học hơn, khai thác và cập nhật thông tin địa chính nhanh chóng hơn, giúp thống kê, kiểm kê đất đai được thuận tiện, chính xác để hoạch định các chính sách, các phương án quy hoạch, các dự án đầu tư…
Tiếp tục hoàn thiện
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến, trong triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ thực tiễn địa phương. Trong đó, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất công, hoặc sử dụng không hiệu quả; trình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch sử dụng đất còn có một số nội dung chưa đồng bộ, gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành liên quan; chưa dự báo tốt nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch; một số trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phù hợp với hiện trạng sử dụng đất triển khai còn chậm, gây khó khăn trong công tác quản lý; đất nông nghiệp vẫn còn manh mún, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Việc cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất ở một số địa phương chưa thực hiện dứt điểm. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai do thu hồi đất thực hiện các dự án chưa kịp thời.
Cùng với đó, cơ chế quản lý tài chính về đất đai chưa thực sự có hiệu quả, nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng đất đai của tỉnh. Việc đầu tư cho công tác quản lý đất đai còn hạn chế; việc quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc ban hành cơ chế, chính sách tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương còn chậm.
Cũng theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, những tồn tại, hạn chế này do nguyên nhân một số nội dung quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật về đất đai chưa phù hợp, dẫn đến quá trình triển khai phải chỉnh sửa, bổ sung, gây khó khăn khi thực hiện. Hơn nữa, Bến Tre là tỉnh có nguồn thu ngân sách hằng năm thấp nên kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tạo lập quỹ đất gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý…
Từ thực trạng khó khăn của tỉnh, bà Hồ Thị Hoàng Yến kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính về đất đai bảo đảm huy động tối đa nguồn lực đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và các tổ chức dịch vụ công về đất nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai.