Bến Tre: Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng kinh tế nông thôn bền vững
(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là đảm bảo tốt môi trường ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Đa dạng các mô hình BVMT
Theo ngành chức năng Bến Tre, tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn, không để phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Bến Tre có nhiều mô hình BVMT đã đạt được một số kết quả khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Điển hình như, Ba Tri là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Theo năm tháng, do giá cao, ổn định nên con bò không chỉ là nguồn kinh tế phụ mà nó trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình vùng nông thôn. Đến nay, Ba Tri là địa phương có nghề chăn nuôi bò lớn nhất tại tỉnh Bến Tre cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng đàn bò trên 100.000 con.
Từ đó, bà con đã tận dụng nguồn phân bò, cộng với cỏ khô trộn lại để ủ thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân bón hữu cơ này để trồng rau sạch rất hiệu quả. Và cũng chính mô hình này cũng đã làm thay đổi ý thức trong BVMT tại khu vực nông thôn, giúp tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tạo ra sản phẩm để tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người nông dân.
Tại địa phương Chợ Lách, UBND huyện đã triển khai các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, bước đầu hỗ trợ xây dựng 200 hố rác 3 ngăn và 300 thùng ủ phân compost, sau đó dần dần nhân rộng tại các xã, thị trấn. Đồng thời, MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cũng đã xây dựng nhiều mô hình hay, như: Hội Phụ nữ huyện có 21 tổ thu gom, phân loại rác tại nguồn; Đoàn thanh niên thành lập 11 đội hình thanh niên xung kích BVMT; Hội Cựu chiến binh phát triển 24 tổ nhóm tham gia BVMT, mô hình xây lò đốt rác tại hộ gia đình trong cán bộ, hội viên; Hội Nông dân thì có 70 tổ, nhóm tham gia BVMT và 30 mô hình về BVMT…
Còn đối với Bình Đại, huyện đã đẩy mạnh triển khai các mô hình: “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa tích điểm lấy giỏ xách và thùng rác”, “Đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập”, “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”, “Xử lý rác thải tại nguồn”,… tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện công trình trồng cây xanh với khoảng 5.000 cây xanh các loại; tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình BVMT; đồng thời tập trung vận động những hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây hố đốt rác tại gia đình, phân loại rác tại nguồn… Qua đó đã nâng cao ý thức của người dân về BVMT và góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Tăng cường công tác quản lý
Chia sẻ về công tác BVMT trên địa bàn, ông Trần Văn Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Tri thông tin, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm gìn giữ môi trường, nhất là việc BVMT trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng kiên quyết không cấp phép đối với các loại hình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cũng như các loại hình không phù hợp với quy hoạch đất đai.
Còn riêng với địa phương Chợ Lách có hơn 75% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho hay, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể BVMT trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã và đang tập trung công tác tuyên truyền về nhiệm vụ BVMT, cùng với tổ chức triển khai mô hình lưu giữ bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và triển khai mô hình hố rác gia đình 3 ngăn. Việc làm này, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, có sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương.
Theo ông Phạm Anh Linh, thời gian tới, Chợ Lách sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác BVMT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì thuốc sau khi sử dụng theo đúng hướng dẫn các ngành chức năng; cũng như nâng cao nhận thức, từng bước nâng cao trách nhiệm của người dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT luôn được luôn các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhìn chung đến nay, các nguồn phát thải trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, chất lượng môi trường thành phần hầu hết trong giới hạn cho phép, chỉ số môi trường tỉnh Bến Tre được cải thiện hơn qua các năm. Đáng lưu ý nhất là các cấp, ngành, đoàn thể và người dân từng bước nâng cao nhận thức, xem công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng và đã có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT, giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Trịnh Minh Khôi, để góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh, Sở TN&MT Bến Tre đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định, kế hoạch, chương trình về nhiệm vụ BVMT. Đơn vị đã bố trí, sắp xếp lực lượng trực tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, chủ động phòng ngừa và có kế hoạch huy động nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nếu có xảy ra theo hướng nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải theo phân công, phân cấp; đặc biệt là các dự án và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao luôn được giám sát chặt chẽ thông qua các hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục hoặc các biện pháp khác phù hợp.
Ngoài ra, Sở TN&MT Bến Tre cũng sẽ tiếp tục tham mưu triển khai chương trình, kế hoạch hành động về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Cũng như tăng cường sự phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về công tác BVMT gắn với quản lý tài nguyên sâu rộng đến nhân dân. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Bến Tre xanh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về BVMT, trồng và bảo vệ cây xanh phân tán, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ rừng, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương Bến Tre theo hướng bền vững.