Thực hiện chương trình công tác năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) thành lập Đoàn công tác kiểm tra và làm việc với Tỉnh Bến Tre và Trà Vinh trong 2 ngày 22 và 23/9 về công tác PCTT.
140 đội xung kích PCTT được thành lập
Theo đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 5 đợt mưa dông kèm theo lốc xoáy làm bị thương 1 người, sập 27 căn nhà và hư hỏng tốc mái 233 căn; 3 vụ sạt lở làm thiệt hại 2 căn nhà, 4 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng với chiều dài 6,9km, triều cường vượt mức đỉnh triều lịch sử làm ảnh hưởng 27km bờ bao, 40km đường giao thông nông thôn gây ngập hơn 700ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi và ảnh hưởng nhiều cống, công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân: Ước giá trị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn khoảng 1.660 tỷ đồng. Cùng với hạn hán, đầu năm 2020 đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam với chiều dài 2.967m.
Kiểm tra Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp – huyện Ba Tri. Ảnh: Tổng cục PCTT |
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT hàng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, trong đó cấp tỉnh, huyện và xã đã có các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hàng năm có rà soát điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Công tác đảm bảo an toàn dân cư và sản xuất được chú trọng; các công trình PCTT thường xuyên được kiểm tra. Công trình thủy lợi được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét và mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.
Ngoài ra, công tác 4 tại chỗ được chủ động thực hiện qua việc kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai và các phương án ứng phó sự cố trên địa bàn, xây dựng được lực lượng xung kích PCTT và xây dựng Nông thôn mới đảm bảo an toàn trước thiên tai theo tiêu chí 3.2, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ làm công tác PCTT, kỹ năng ứng phó cho lực lượng xung kích PCTT và quản lý rủi ro thiên tai (RRTT) dựa vào cộng đồng…
Đặc biệt, công tác xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở các xã, phường, thị trấn cũng được địa phương hết sức chú trọng. Đến nay, đã thành lập được 140 Đội xung kích PCTT/157 xã, với tổng số lực lượng của 157 xã là 22.039 người (Dân quân tự vệ 21.049 người, dự bị động viên 192 người).
Thực hiện nội dung tiêu chí 3 về thủy lợi trong xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến nay đã có 22/164 xã được công nhận có tổ chức lực lượng xung kích PCTT theo quy định. Việc quy định xã nông thôn mới giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, xây dựng cộng đồng, khu dân cư an toàn trước thiên tai.
Tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, dự báo
Kiểm tra về công tác PCTT của tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đánh giá, thời gian qua, Bến Tre đã xây dựng được phương án ứng phó với Bão mạnh, siêu bão và phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn ứng với cấp độ rủi ro thiên tai.
Hiện nay, thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đề nghị tỉnh Bến Tre tiếp tục quan tâm, quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, trọng tâm là đưa nội dung PCTT vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bến Tre rà soát, cập nhật kế hoạch các phương án PCTT, đặc biệt là xây dựng kế hoạch PCTT cho giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo như: Đo mưa, đo mặn, mực nước, camera, biển cảnh báo sạt lở và dông sét. Tiếp tục tổ chức diễn tập ứng phó các loại hình thiên tai hay xảy ra trên địa bàn phù hợp với điền kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.