Biến đổi khí hậu

Bến Tre: Hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường

Bạch Thanh (thực hiện) 08/10/2023 - 21:57

(TN&MT) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) (gọi tắt là Nghị quyết 24-NQ/TW), tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre xung quanh nội dung này.

anh-1.jpg
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

PV: Xin bà cho biết, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động tiêu cực của BĐKH gây ra, vậy từ khi Nghị quyết 24-NQ/TW ra đời đến nay, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện ra sao?

Bà Hồ Thị Hoàng Yến:

Bến Tre là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, được bao bọc bởi các nhánh sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, là nơi tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65km cùng với hệ thống sông, rạch chằng chịt, thời gian qua, các biểu hiện của BĐKH đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt là tỉnh phải hứng chịu 02 đợt thiên tai hạn mặn mùa khô 2015-2016 và 2019-2020 gây thiệt hại nghiêm trọng; cùng với đó là tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn và xâm thực bờ biển diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, đời sống nhân dân.

Tiếp thu Nghị quyết số 24-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị cấp tỉnh để quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW đến cán bộ chủ chốt của tỉnh; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 23/9/2013; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 12/11/2019 thực hiện thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Đồng thời, chỉ đạo các Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ Bến Tre xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.

Nhìn chung, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về BĐKH, BVMT, tài nguyên thiên nhiên đã được triển khai trong toàn hệ thống chính trị, cũng như các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Nhận thức trong hệ thống chính trị, nhân dân đối với vấn đề BĐKH, BVMT, tài nguyên thiên nhiên được nâng lên, thể hiện qua việc các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã có nhiều nỗ lực, thay đổi trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh,… để thích ứng với xâm nhập mặn, BĐKH, BVMT, tài nguyên thiên nhiên.

Điểm nổi bật là các công trình thủy lợi trọng điểm, các mô hình canh tác thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân. Nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng xanh, giảm phát thải với các dự án năng lượng gió khu vực biển, canh tác nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; thích ứng BĐKH phù hợp các vùng sinh thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Công tác quản lý đất đai từng bước hoàn thiện cơ chế để khai thác quỹ đất sạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung lớn. Công tác quản lý môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học từng bước được cải thiện, không phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

anh-2.jpg
Bến Tre khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển

PV: Bà có thể nói rõ hơn về những kết quả nổi bật mà địa phương đã và đang cụ thể hóa triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bến Tre?

Bà Hồ Thị Hoàng Yến:

Qua thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tiên là về ứng phó BĐKH, tỷ lệ người dân có nhận thức về BĐKH đạt trên 90%; tỉnh đã và đang triển khai các công trình thủy lợi để hạn chế tác động của xâm nhập mặn; ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về BĐKH và phòng, chống thiên tai. Về lĩnh vực quản lý tài nguyên, tỉnh đã hoàn thiện công tác đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính; đang thực hiện điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước; đã chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo. Còn đối với công tác BVMT, tỉnh không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 94%.

Đầu năm 2021, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức thành công Lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần thực hiện hóa sáng kiến trồng 01 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong 2 năm 2021-2022, địa phương đã trồng 1.759.609 cây xanh các loại, đạt 17,6% kế hoạch Đề án, với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành Đề án Bến Tre xanh và hiện đang xây dựng nhiều mô hình xanh để triển khai tổ chức thực hiện.

Tuy năng lực chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính của Bến Tre chưa cao, nhưng việc đầu tư phát triển năng lượng sạch bước đầu phát triển. Tỉnh hiện có 9 dự án điện gió đã triển khai lắp đặt hoàn thành với công suất khoảng 365,9 MW, tổng công suất đóng điện hòa lưới là 221,05 MW.

Bên cạnh đó, địa phương có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng đã tập trung chuyển đổi và phát triển nông nghiệp toàn diện; cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, áp dụng mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng BĐKH, biến thách thức thành cơ hội “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.

Ngoài ra, mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương cũng đã được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

h3.jpg
Nền kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh, thân thiện với môi trường

PV: Trong quá trình thực hiện, địa phương còn gặp những khó khăn, hạn chế nào, đồng thời có những giải pháp gì để tập trung thực hiện trong thời gian tới được tốt hơn, thưa bà?

Bà Hồ Thị Hoàng Yến:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT của tỉnh Bến Tre vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Thứ nhất là chưa đầu tư hoàn thành các công trình để chủ động thích ứng với nước biển dâng, xâm nhập mặn và xu hướng gia tăng của sạt lở bờ sông, bờ biển; còn hạn chế trong giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động công nghiệp và ô nhiễm, phát thải từ các bãi rác. Thứ hai, chưa kiểm soát, quản lý tốt trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên. Thứ ba, chưa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường rác thải; nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước mặt.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do tình hình BĐKH, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp; ảnh hưởng từ việc khai thác tài nguyên nước không bền vững của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông; pháp luật môi trường hiện hành chưa được áp dụng hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, do tỉnh còn thiếu nguồn lực; công tác lập quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý rác thải còn hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, thời gian tới tỉnh Bến Tre tập trung xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực, thực hiện hiệu quả chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, chú trọng khu vực, tỉnh, thành phố có các nguồn nước xuyên biên giới, ven biển. Đồng thời, bảo đảm 100% quy hoạch, kế hoạch phát triển tỉnh được lồng ghép, tích hợp ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu khoa học, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, BVMT, đa dạng sinh học, thích ứng BĐKH; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Đề án Bến Tre xanh. Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trong cán bộ, đảng viên và rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO