Tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Với những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu trên lĩnh vực giáo dục, y đức, đặc biệt là những tác phẩm văn thơ đồ sộ và nhân cách sống của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đều có những đánh giá cao về ông. Ông không chỉ có sự nghiệp văn chương mà cả sự nghiệp văn hóa, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn với một nhân cách văn hóa lớn.
Từ trước đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là truyện Lục Vân Tiên luôn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bến Tre lấy ngày sinh và ngày mất của ông (ngày 1/7 và ngày 3/7) làm ngày truyền thống văn hóa của tỉnh. Với tài năng, đức độ và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như lòng tôn kính của nhân dân, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris (Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023.
UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc.
Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 1 đến ngày 3/7. Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.
Ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu đối với nhân dân
Nguyễn Đình Chiểu sống mãi với lịch sử, với nhân dân, bởi lẽ cả cuộc đời ông, tâm hồn và trí tuệ, lý tưởng và tài năng, văn chương, đạo đức và lòng căm thù giặc sâu sắc tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ông dùng ngồi bút của mình làm vũ khí đánh giặc; người đọc, người nghe tìm thấy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu hơi thở của cuộc sống, những đòi hỏi cấp bách cứu nước, cứu dân, những tâm tư, ước vọng những hành động về lòng yêu nước và đạo làm người.
Từ khi Đảng ta ra đời, giá trị tinh thần đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu mới được đánh giá một cách đúng mức. Sự nghiệp văn thơ của ông được Đảng ta trân trọng xem như một viên ngọc quý trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Ở Bến Tre không ít những nhà giáo, nhà nho, người thầy thuốc gắn bó với nhân dân theo phong cách của ông sớm được giác ngộ và gia nhập tổ chức tiền thân “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” và sau đó đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri.
Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre kiên cường chiến đấu anh dũng, đỉnh cao là phong trào “Đồng khởi” đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và một số nước trên thế giới biết đến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy tinh thần yêu nước, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre bước vào công cuộc tái thiết quê hương, ổn định mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng...
Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Bến Tre và xa hơn nữa. Chính đạo đức, y đức, nhân cách, hồn thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên một thần thái của người Bến Tre - yêu nước, hiếu học, tình nghĩa thủy chung hết mình, tranh đấu vì chính nghĩa đến cùng, dẫu cho đầu rơi, máu đổ vẫn đau đáu một lời thề trung hiếu với nước non.
Ngày nay, nói Bến Tre là nói quê hương Đồ Chiểu, chính là nói đến truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng mà Nguyễn Đình Chiểu là một con người tiêu biểu, có công bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ sau những gì tốt đẹp nhất của truyền thống văn hóa ấy. Thơ văn của ông đã đóng góp rất lớn trong việc nâng giá trị văn hóa, nhân văn, nhân đạo của người Bến Tre lên tầm cao mới.
Chính điều đó, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống và bản lĩnh của người Bến Tre qua từng thế hệ, là hành trang vô giá để các thế hệ sau vững bước tiến lên. Tự hào về một nhân cách, một tài năng, một con người, lớp lớp người Bến Tre đã và đang tiếp nối noi theo tấm gương hiếu nghĩa, nối theo đạo lý ở đời, dốc lòng đem hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cùng với khát vọng đánh đuổi ngoại xâm, để nhân dân được sống trong hòa bình của Nguyễn Đình Chiểu, thì ngày nay khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre là phấn đấu đến 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước vào 2030; đến năm 2045, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực và của cả nước theo các tiêu chí: Đáng sống, thu nhập tốt, môi trường xanh - sạch - đẹp, thân thiện, hiện đại để Bến Tre ngày càng rạng rỡ, xứng danh quê hương Đồ Chiểu, xứ dừa - quê hương Đồng Khởi anh hùng.