Bến Tre: Định hướng phát triển bền vững kinh tế biển
(TN&MT) - UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch.
Theo Kế hoạch, tỉnh Bến Tre ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; đồng thời, tỉnh Bến Tre tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường, thích ứng với biến đồi khí hậu (BĐKH); đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ; xây dựng, thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT biển.
Phát triển nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; đến năm 2030 giá trị sản phẩm trên 01 ha thủy sản đạt 450 triệu đồng, diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000 ha, sản lượng đạt 136.000 tấn. Trong đó, diện tích vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 5.100 ha; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap hoặc chứng nhận tương đương.
Triển khai thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy Bến Tre về Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 03 huyện biển tăng bình quân 25%/năm; chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đến năm 2030, doanh thu từ du lịch 03 huyện biển chiếm từ 30% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đồng thời, Tỉnh Bến Tre cũng khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát hạ tầng, dịch vụ du lịch 03 huyện ven biển; và phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng điều kiện thực tế tại địa phương, có chính sách, chương trình hỗ trợ người dân tại địa phương khi tham gia.
Cũng theo Kế hoạch, Bến Tre sẽ phát triển giao thông vận tải đồng bộ, thống nhất với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước; đảm bảo kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác của Bến Tre và các tỉnh lân cận; tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính chất đột phá như: các tuyến phục vụ mục tiêu phát triển hướng Đông, kết nối khu kinh tế ven biển, các khu công nghiệp, khu du lịch; phối hợp triển khai các dự án giao thông trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn các huyện biển.
Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ nhằm tăng cường kết nối giữa tỉnh với Vùng ĐBSCL, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối giữa các huyện, thành phố, các khu kinh tế ven biển; phối hợp với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh triển khai dự án đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh; phối hợp với tỉnh Vĩnh Long triển khai dự án cầu Đình Khao trên QL.57 nối liền Bến Tre và Vĩnh Long; phối hợp với tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối liền Bến Tre và Tiền Giang.
Tỉnh Bến Tre cũng chú trọng phát triển các đô thị trung tâm, đô thị đa chức năng ven biển và các điểm dân cư nông thôn tập trung, các đô thị lấn biển; xây dựng đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, thích ứng BĐKH, thân thiện môi trường và tăng trưởng xanh; xác lập các vùng dự án kêu gọi đầu tư phát triển theo hướng đô thị sinh thái tại các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế. Đến năm 2030, thị trấn Ba Tri và Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại III, thị trấn Thạnh Phú đạt chuẩn đô thị loại IV.
Bến Tre cũng sẽ phát triển không gian biển về hướng Đông, từng bước hình thành khu lấn biển, khu kinh tế biển tại 3 huyện ven biển; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn 03 huyện ven biển; có chủ trương đưa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển về hướng Đông; thực hiện dự án lấn biển trên địa bàn các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Riêng về BVMT biển, thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; đẩy mạnh điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển của tỉnh.
Đến năm 2025, hoàn thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và đánh giá sức chịu tải môi trường tại một số vùng rủi ro ô nhiễm cao trên vùng biển Bến Tre. Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp của tỉnh được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả và được kết nối và tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển quốc gia.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch đạt kết quả cao, UBND tỉnh Bến Tre giao các Sở, ngành và UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT. Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất Chính phủ, Bộ TN&MT hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên biển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án và các giải pháp thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản bền vững và các công nghệ chế biến sâu sản phẩm thuỷ sản; bảo tồn biển, phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, hệ sinh thái biển, ven biển, để đóng góp vào tăng trưởng phát triển kinh tế biển của địa phương.
Tổ chức triển khai Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ đối với các ngành nghề kinh tế biển; thực hiện các chính sách về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành công nghiệp ven biển có trọng tâm, trọng điểm và thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch bền vững, du lịch cộng đồng trên biển và vùng ven biển, đẩy mạnh phát triển tuyến du lịch sinh thái biển trên địa bàn; tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện ven biển; đầu tư phát triển mạnh du lịch, cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại - du lịch biển; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa tâm linh; liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Tổ chức triển khai phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Bến Tre và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện đã tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với từng giai đoạn; đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ven biển, các điểm dân cư nông thôn tập trung; xây dựng đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, thích ứng với BĐKH.