Bến Tre: Cát tặc ngang nhiên lộng hành

05/04/2018 12:25

(TN&MT) - Thời gian qua, Bến Tre được xem là tỉnh chịu hậu quả nghiêm trọng do sạt lở trên các tuyến sông, rạch. Thế nhưng, tình trạng khai thác cát bừa bãi ở...

 

(TN&MT) - Thời gian qua, Bến Tre được xem là tỉnh chịu hậu quả nghiêm trọng do sạt lở trên các tuyến sông, rạch. Thế nhưng, tình trạng khai thác cát bừa bãi ở nơi đây vẫn ngang nhiên hoành hành, trong khi đó, chính quyền địa phương chưa xử lý triệt để.

Mới đây, bà Võ Thị Ron (51 tuổi) cùng với hơn 50 hộ dân địa phương xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách trực tiếp gửi đơn thư cầu cứu đến các ngành chức năng tỉnh Bến Tre yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành khai thác cát trái phép trên dòng sông Cổ Chiên, đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách.

Theo người dân, đây là đoạn sông dài khoảng 3km đã từng chịu sạt lở nghiêm trọng, mất nhiều diện tích đất, nhà cửa, vườn cây ăn trái, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân nơi đây. Thế nhưng, thời gian qua, cát tặc vẫn hoành hành cả ngày lẫn đêm. Ban ngày có 5 đến 7 chiếc, ban đêm có trên 10 chiếc đủ các loại bằng gổ, sắt với trọng tải lớn nhỏ từ vài chục đến hàng trăm mét khối. Hút đầy, hết chiếc này đi thì chiếc kia lại đến. Các phương tiện được gắn biển kiểm soát từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang… thậm chí có cả tàu quen tại địa phương.

H2 (1)
Người dân lo sợ nhiều đoạn đê bao bị xoáy lở, nguy cơ bị vỡ

“Đêm lẫn ngày, đoạn sông này cát tặc hoạt động ồn ào, gây mất an ninh trật tự tại vùng quê yên tĩnh này. Bình quân mỗi ngày có hàng ngàn khối cát bị hút trộm. Bức xúc, người dân chúng tôi liên tục trình báo với chính quyền địa phương và Công an xã Vĩnh Bình, nhưng các cơ quan, những người có trách nhiệm nơi đây đều phớt lờ, bỏ qua, không quan tâm”, bà Vũ Thị Ron bức xúc.

Còn theo anh Trần Công Định (tự gọi là Long), cho biết nóng lòng trước tài sản và cuộc sống bị đe dọa bởi nạn cát tặc lộng hành, trong khi chính quyền địa phương chậm xử lý, anh Long cùng với nhiều thanh niên địa phương bơi xuồng ra xua đuổi. Tuy nhiên, nhóm người trên các phương tiện khai thác cát dùng giàn thun bắn đạn đá chống trả. Dân tập trung ra đứng ở bờ sông xua đuổi lại bị cát tặc ném đá và cầm mã tấu đưa lên đưa xuống dọa chém dân.

Trả lời báo chí, ông Đoàn Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách xác nhận có tình trạng khai thác cát trái phép tại đoạn sông trên. Theo ông Đức, khi người dân phát hiện và báo về xã, UBND xã đều cử lực lượng xuống kiểm tra nhưng cát tặc bỏ chạy rất nhanh nên khó bắt. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, rất nhiều lần họ trình báo với UBND xã, Công an xã Vĩnh Bình nhưng không có ai xuống giải quyết.

H3 (12)
Con đê rộng độ vài mét, bên trong là tài sản, hàng trăm hécta vườn cây ăn trái

Trước tình hình trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập ban hành văn bản yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc. Theo đó, UBND tỉnh  Bến Tre chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh và UBND huyện Chợ Lách tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép. Trường hợp phát hiện, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; nắm bắt thông tin, hỗ trợ địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các huyện, thành phố Bến Tre phối hợp với Công an tỉnh, Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại từng địa phương.

H4 (1)
Phương tiện dùng khai thác cát

Được biết, năm 2015 tỉnh Bến Tre đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây đê bao dài trên 3km dọc sông Cổ Chiên đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan nên đoạn đê bao này đưa vào sử dụng chưa đầy một năm lại bị vỡ, trôi tuột xuống sông. Năm 2016 địa phương tiếp tục đầu tư trên 8 tỉ đồng để làm mới con đê trên và có kè rọ đá, đồng thời đóng hàng cừ gỗ dọc theo con đê để chống sạt lở. Hiện hàng cừ gỗ này cũng bị sạt ra mé sông, chân đê cũng bị bào lở, xoáy sâu. Điều này khiến người dân nơi đây thấp thỏm lo sợ nhà cửa, cây trồng của họ sẽ bị cuốn trôi nếu chính quyền địa phương không có biện pháp hữu hiệu kịp thời.

H1 (22)
Người dân trình bày với phóng viên

Bên kia bờ sông chưa đầy 1km là cồn Phú Đa cũng thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Vào trung tuần tháng 11/2017 cồn Phú Đa bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 500 mét, sâu vào đất cồn khoảng 50 mét, cuốn trôi con đê ngăn lũ đồng thời là đường giao thông nông thôn trên cồn. Sạt lở còn cuốn trôi nhiều nhà dân và một bến cầu phà xuống sông Cổ Chiên, làm thiệt hại khoảng hơn 5 ha đất nông nghiệp, ao nuôi cá của người dân, tổng mức thiệt hại hàng tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng này được các ngành chức năng đánh giá là do tình trạng khai thác cát bừa bãi, không đúng quy hoạch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Cát tặc ngang nhiên lộng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO