(TN&MT) - Môi trường sống ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngày càng nhiều bệnh nan y xuất hiện khiến chi phí khám chữa bệnh tăng cao.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, các yếu tố nguy cơ về môi trường góp phần gây ra hơn 100 bệnh tật và chấn thương. Hàng năm 12,2 triệu người đang ở tuổi lao động và phần lớn ở các nước đang phát triển tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Soi vào cuộc sống thường nhật, dường như hiểm họa cứ đâu đó quanh ta. Một sự bất an ngay trong bữa ăn hàng ngày. Những bó rau nõn nà, những trái táo căng mọng… thật bắt mắt. Nhưng hãy coi chừng, trong đó còn ẩn chứa quá nhiều dư chất độc hại có thể tàn phá lục phủ ngũ tạng con người.
Bắt đầu từ những loại “rau sạch, quả sạch” một thời được ca ngợi như là giải pháp cho an toàn và sức khỏe thì sau một thời gian ngắn, lối tư duy ăn xổi ở thì, chụp giật, liều lĩnh, vô trách nhiệm đã thấm đẫm vào từng luống rau, cây ăn quả.
Tôi đã chứng kiến những “qui trình sản xuất sạch” giả tạo trên những trang trại trồng rau, nuôi lợn. Để rồi những sản phẩm có hình thức “an toàn và sạch” nhưng bản chất thì bẩn và nguy hiểm chẳng kém gì những loại rau bẩn, quả bẩn trước đó được lưu hành. Tất cả các quy định, tiêu chuẩn, quy trình đưa xuống các vùng sản xuất này khi người giám sát ngoảnh mặt đi đã lập tức bị người thực hiện bỏ qua, bất chấp hậu quả mà các “thượng đế” phải hứng chịu. Rồi đến các loại gia súc gia cầm đang được ùn ùn đẩy từ mọi miền quê về các đô thị cũng khiến cho mọi người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng… không thể thông minh được.
50 năm phát triển, dường như chúng ta lại quay trở về vạch xuất phát. Lần này, đe dọa xem ra còn trầm trọng hơn. Nếu trước đây chúng ta mong muốn rút ngắn khoảng cách, đẩy nhanh thời gian để làm ra nhật nhiều sản phẩm phục vụ con người; thì nay từ cái thiếu đã thành cái thừa, và chính cái thừa ấy đã gây sự bất ổn cho chính cuộc sống con người. Trong cái bất ổn ấy, ngoài sự chủ quan chưa được tính đến, còn có sự tiếp tay của những hành động tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn sống an lành. Lòng ham muốn và nhu cầu hưởng thụ thái quá đang đẩy cuộc sống của chính chúng ta đến gần hơn với những đe dọa, bất ổn.
Chính những điều đó đang khiến con người ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các căn bệnh nan y.?(!) Đó cũng là lý do vì sao WHO xếp Việt Nam nằm trong top các nước có người mắc bệnh ung thư cao nhất. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bệnh tật gia tăng, các chi phí cho khám chữa bệnh của người dân cũng tăng theo. Ở Việt Nam giá thuốc mà người bệnh phải mua quá cao so với thực tế, nhất là các loại thuốc đặc trị.
Trên thế giới, đã từng có những cuộc “dịch chuyển”, chốn chạy văn minh đô thị để ra với những ngôi nhà “sinh thái”. Ở Việt Nam, dường như cũng rục rịch theo huớng đi này. Nhưng, dù có “trốn chạy” đi đâu thì cuộc sống của chính các cư dân sẽ khó có thể thay đổi nếu không thay đổi từ nhận thức, trong mỗi hành động.
Một đất nước mà tỷ lệ người bị mắc các căn bệnh nan y gia tăng cũng phản ánh chất lượng sống ở những khu vực đó như thế nào!
Với cơ thể một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những liều thuốc đặc trị là vô cùng quý giá giúp họ giảm bớt cơn đau, kéo dài thêm sự sống.
Nhưng liệu, có liều thuốc đặc trị nào với một xã hội mà sự thờ ơ, vô trách nhiệm đã trở thành căn bệnh kinh niên, thậm chí đã thành một khối u cơ chế?