Bất cập trong quản lý đất nông - lâm trường: Kỳ II: Chia lại được không?

15/11/2013 00:00

Hàng loạt sai phạm của các nông - lâm trường đã được cơ quan chức năng chỉ ra.

   
(TN&MT) - Hàng loạt sai phạm của các nông - lâm trường đã được cơ quan chức năng chỉ ra. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh những sai phạm vẫn là một bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước trước nhu cầu muốn được phân chia hợp lý hơn các loại đất nông - lâm trường cho những người dân tộc thiểu số, người địa phương…
   
Sai phm tràn lan
  Theo Báo cáo sau khi thanh tra 37/50 tỉnh, thành trên cả nước, với 73/99 nông - lâm trường mới đây của Thanh tra Bộ TN&MT cho thấy, hàng loạt các nông - lâm trường đã sai phạm liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể, 23/73 nông - lâm trường tự ý chuyển đổi 1.068 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, có 4 đơn vị được UBND tỉnh cho phép, 19 đơn vị còn lại tự ý chuyển đổi trái phép. Nhiều nông - lâm trường cũng bị phát hiện đem thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng hoặc tự ý góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trái pháp luật. 6 đơn vị đã đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích 51.768 ha.
   
  Đặc biệt, về sai phạm do lấn chiếm đất đai lâm trường có tới 41/73 (hơn 56%) đơn vị đã bị hơn 4.500 hộ gia đình, cá nhân, 4 tổ chức lấn chiếm đất đai với tổng diện tích hơn 8.400 ha. Trong đó có 10 đơn vị bị lấn chiếm gần 2.000 ha kết luận thanh tra đã kiến nghị thu hồi trả về địa phương; 22 đơn vị bị lấn chiếm hơn 3.200 ha mới ban hành Quyết định cưỡng chế ở 1 đơn vị với diện tích hơn 36 ha, số còn lại chưa được địa phương giải quyết, hoặc giải quyết chưa dứt điểm; 1 đơn vị bị lấn chiếm hơn 6 ha đã cưỡng chế nhưng tái phạm; 8 đơn vị bị lấn chiếm hơn 3.200 ha không nêu rõ sử dụng vào mục đích gì và không nêu rõ kiến nghị xử lý.
   
  Ngoài ra, có 20/73 nông - lâm trường cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích 16.848 ha. 41 nông - lâm trường đang có tranh chấp với các hộ dân, các tổ chức, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm lên tới 8.446 ha.
   
  Nguyên nhân cơ bản là do một số cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng liên quan chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Thậm chí, nhiều địa phương còn có biểu hiện buông lỏng việc quản lý đất đai tại khu vực nông – lâm trường. “Công tác giao khoán đất trước đây tại các địa phương còn thiếu cụ thể, chủ yếu trên giấy tờ. Cùng với đó, sự thiếu liên kết giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chủ quản trong công tác quản lý, kiểm tra đã làm gia tăng các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, mượn, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở sai luật” - Báo cáo nhận định.
   
Giao li “mnh xương”!
   
  Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu quyết định thu hồi đất từ lâm trường về giao lại cho người dân sử dụng mà chỉ nói “thu hồi đất lâm trường làm ăn không hiệu quả” là rất sơ hở. Bởi, qua nghiên cứu thực tế cho thấy, có một số nơi đã thu hồi đất lâm trường và giao lại cho người dân. Đó toàn là đất xấu, đất đồi núi, xa dân cư thì giao lại cho dân. Khi đó, lâm trường giải thích đó là đất lâm trường làm ăn không hiệu quả, không làm được nên giao lại địa phương để địa phương giao cho dân.
   
  Đơn cử, tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình), xã đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 3.163 ha đất rừng các khu vực gần dân của lâm trường quản lý để giao cho bà con dân tộc Vân Kiều quản lý, bảo vệ và sản xuất trồng rừng kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con. Đề nghị này được chấp thuận và tỉnh đã cho thu hồi 2.112,69 ha đất rừng của lâm trường. Nhưng trong đó, chỉ 15% diện tích đúng theo đề nghị của bà con (đất sản xuất phù hợp, gần đường giao thông, gần khu dân cư, thuận tiện sản xuất), còn lại hơn 1.700 ha thuộc các tiểu khu khác không thuộc đề nghị giao và không thể sản xuất vì đồi dốc, xa khu dân cư, không có đường giao thông. Do đó, người dân hầu như lại không thể sản xuất và tiếp tục tranh chấp những phần đất trước đây với nông lâm trường.
   
Chn chnh bng cơ chế cho thuê
  Theo một nghiên cứu Viện Tư Vấn và Phát triển và Tổ chức Forest Trends (Tổ chức phi Chính phủ về rừng), để giải quyết mâu thuẫn đất đai cần dựa vào cộng đồng với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, gồm các công ty, các tổ chức cộng đồng thôn bản, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, các cơ quan chuyên môn.
  Đồng thời, phải yêu cầu các công ty lâm trường thực hiện nghiêm túc việc thống kê để thực hiện thu hồi, bàn giao những diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, đất gần các khu dân cư, đất “phát canh thu tô”, giao khoán không đúng đối tượng… cho địa phương để giao cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất ở và đất sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền xã, huyện phải đứng về phía người dân, cùng nghĩ cho quyền lợi của người dân thì khi đó mâu thuẫn đất đai mới có cơ hội được giải quyết.
   
  Theo Thanh tra Bộ TN&MT, để giải quyết việc này cần phải thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất, bởi các đơn vị này sử dụng diện tích quy mô lớn, giá đất cho thuê sẽ xác định phù hợp với từng vùng và đặc thù sử dụng đất.
   
   Đối với đất quy hoạch sử dụng cho mục đích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vùng bảo vệ sinh thái, phải thống nhất chuyển giao cho Ban Quản lý rừng và chỉ thực hiện cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với các nông - lâm trường vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, phải có chính sách quản lý đặc thù riêng để đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng.
   
  Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ lấn, chiếm, tranh chấp đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết; thực hiện giao đất, cho thuê đất, hoặc điều chỉnh giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạo điều kiện về kinh tế để đảm bảo cho việc đo đạc, rà soát, quy hoạch sử dụng chi tiết, cắm mốc ranh giới đất giao, cho thuê..
   
Trường Giang
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý đất nông - lâm trường: Kỳ II: Chia lại được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO