(TN&MT) - Tầm quan trọng của rừng ngập mặn (RNM) trong vấn đề giữ ổn định môi trường, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến phức tạp như hiện nay là điều quá rõ ràng. Song, để bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng, cả đơn vị quản lý rừng và người dân sống dưới tán rừng đang “thắt lòng” chờ đợi những cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho RNM khi diện tích rừng đang mất đi nhanh chóng và khai thác cạn kiệt hệ sinh thái rừng.
Xót lòng – mất quá nhiều RNM
Theo thống kê, diện tích rừng ngập mặn trên cả nước đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Đơn cử tại tỉnh Cà Mau, nếu như năm 2012, toàn tỉnh có gần 200 nghìn héc ta rừng ngập mặn ven biển, thì đến nay chỉ còn khoảng 1.037 héc ta, theo đó bờ biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Trung bình một năm mất khoảng 900 héc ta rừng. Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay tỉnh có khoảng 14 điểm sạt lở bờ biển. Mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hiệu quả không cao, không bền vững. Các ngành chức năng của Cà Mau đã nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do người dân thường xuyên chặt phá rừng ngập mặn để lấy gỗ hầm than bán, nhất là ở Vườn Quốc gia mũi Cà Mau. Về vấn đề này, Tổng Cục Lâm nghiệp cũng đã cảnh báo về tình trạng chặt phá rừng ngập mặn để chuyển sang mục đích khác xảy ra thường xuyên tại nhiều địa phương. Cụ thể 10 năm qua, tổng diện tích rừng vùng ĐBSCL bị thiệt hại là trên 11.700 ha, trong đó rừng phòng hộ trên 4.800 ha, rừng đặc dụng là gần 140 ha và rừng sản xuất là trên 6.800 héc ta. Bên cạnh đó các nơi còn chặt phá rừng, chặt cây, củi, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản, nuôi trồng hải sản trên đường bờ biển đã tác động xấu đến diện tích rừng ngập mặn ven biển.
Rừng ngập mặn bảo vệ đất liền khỏi nguy cơ nước biển dâng. Ảnh: ST
Nói về thực trạng rừng ngập mặn đang bị suy giảm, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp, Nguyễn Quang Dương nhận định: Vùng ĐBSCL hiện còn có 479 km đường đê biển chưa có đai rừng phòng hộ, chiếm 38,1% tổng số chiều dài đê biển các tỉnh. Hiện nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 310,6 km, nhiều nhất là ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn. Trong đó hệ thống tổ chức, cơ chế chính sách và các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển còn nhiều điểm bất cập thậm chí là chưa phù hợp.
Cần một cơ chế đặc thù…
Để bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn, nhiều địa phương cho rằng, Nhà nước cần quan tâm, đưa ra những cơ chế chính sách ưu tiên hoặc chí ít là phù hợp với hoạt động quản lý RNM. Bởi lẽ, với cơ chế hiện nay, cũng là quản lý rừng như nhau, song trong khi nhưng Hạt kiểm lâm thì được hưởng các chế độ ngoài lương, như phụ cấp thâm niên, ưu đãi nghề, phụ cấp lưu động, độc hại… còn các Ban quản lý rừng phòng hộ và Vườn quốc gia, trong đó có RNM thì không. Đó là điều bất hợp lý cần sớm được Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh.
Mặt khác, gần đây các hộ dân nhận khoán đất rừng sản xuất khu vực rừng ngập mặn “thiết tha” trồng rừng là do giá trị kinh tế của cây đước đã được khẳng định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có diện tích RNM lớn như Cà Mau, Kiên Giang…đã ban hành một số cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã khuyến khích người dân hăng hái trồng rừng. Theo đó, trường hợp rừng do bên nhận khoán tự đầu tư trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ thì lợi nhuận sau thuế bên nhận khoán sẽ được hưởng 95%. Đó là mức hưởng lợi cao nhất từ trước đến nay.Vì thế đời sống của bà con nhận khoán đất rừng khu vực rừng ngập mặn được cải thiện một bước.
Tuy nhiên, để có cây giống, nguồn vốn, mặt bằng trồng rừng không phải hộ dân nào cũng có đủ điều kiện thực hiện. Đó là chưa kể tới nhu cầu đầu tư về hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, khu tái định cư, đặc biệt là nhu cầu đê ngăn triều cường nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng bởi không có nguồn thế chấp và việc trồng RNM vốn bấp bênh. Trong khi đó, huy động nguồn vốn bên ngoài rất khó dẫn đến hệ lụy là tiến độ trồng rừng chậm, manh mún, “xôi đỗ” diễn ra ở nhiều nơi.
Một trong những giải pháp tối ưu để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là tạo “lá chắn”, “vành đai” rừng khu vực ven biển. Để làm được điều này không chỉ một vài đơn vị quản lý, bảo vệ rừng là đủ, mà phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách về rừng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm bảo đảm phục vụ điều kiện công tác và nâng cao đời sống của chủ rừng và hộ dân nhận khoán đất rừng.
Minh Vũ