Khoáng sản

Bảo vệ tài nguyên Quốc gia phát triển bền vững ngành khai khoáng

Nguyễn Thủy 31/12/2024 - 11:08

(TN&MT) - Năm 2024 ghi dấu ấn đặc biệt với ngành Địa chất và khoáng sản Việt Nam khi Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản. Với 12 chương, 111 điều và nhiều điểm mới cốt lõi, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trong quản lý khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới

Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia. Việc quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất và khoáng sản góp phần quan trọng trong bảo đảm hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Sau giai đoạn thực thi pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản năm 1989, Việt Nam đã trải qua 4 thế hệ Luật Khoáng sản, bắt đầu từ Luật Khoáng sản năm 1996, tiếp đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 và năm 2010 và mới đây ngày 29/11, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 vừa được Quốc hội thông qua.

anh-khoang-san.jpg

Trải qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, pháp luật về khoáng sản đã được điều chỉnh phù hợp và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như, Luật Khoáng sản năm 2010 đã thể hiện rõ quan điểm khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào khai thác khoáng sản; điều tiết nguồn thu từ khoáng sản để hài hòa lợi ích của “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân”; thúc đẩy cơ chế đấu giá để hạn chế việc “xin - cho” trong cấp phép hoạt động khoáng sản, thì Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả, đồng thời bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.

Nhiều điểm mới bám sát thực tiễn

Luật Địa chất và Khoáng sản với nhiều điểm mới, thay đổi lớn về chính sách, kỳ vọng về một ngành công nghiệp khai khoáng bền vững hơn, hiệu quả và minh bạch hơn đang dần trở thành hiện thực. Nổi bật, Luật đã quy định chi tiết về các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, tài chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, cũng như quản lý nhà nước trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Một điểm quan trọng trong Luật Địa chất và Khoáng sản là việc cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Địa chất và Khoáng sản bao gồm việc lợi dụng các hoạt động điều tra địa chất và khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, gây hại đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, hay cố ý hủy hoại các mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị. Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản cũng nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có sự phê duyệt, cấp phép từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Về thời gian khai thác khoáng sản, Luật Địa chất và Khoáng sản quy định, dự án đầu tư khai thác khoáng sản có thời gian khai thác không quá 30 năm. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn nhưng tổng thời gian khai thác không vượt quá 50 năm.

Bên cạnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc như: Việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ.

khoang-san-1680346188160785655751.jpg

Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản đã tháo gỡ những chính sách không còn phù hợp và khơi thông nguồn lực, đặc biệt là khoáng sản nhóm IV. Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, phân nhóm khoáng sản, Luật quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của Luật.

Đơn cử như các dự án, công trình, hạng mục công trình, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này, không phải thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; thủ tục trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép môi trường,… nhưng phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm IV, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này. Đây là một trong các nội dung quan trọng nhất của Luật để bảo đảm tiến độ thi công các công trình đầu tư công khẩn cấp.

Ngoài ra, Luật phân định 4 trường hợp khác nhau và cách tiếp cận thứ bậc từ chặt chẽ đến đơn giản về quy trình, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản như: Các trường hợp phải có phương án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ; trường hợp không phải lập đề án hoặc phương án đóng cửa mỏ nhưng vẫn phải có quyết định đóng cửa mỏ; trường hợp không phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.

Với những quy định mới được thông qua, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, đồng thời bảo vệ tài nguyên quốc gia, góp phần phát triển ngành khoáng sản bền vững và hiệu quả. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát và điều chỉnh các quy định để bảo đảm việc cấp phép, gia hạn giấy phép được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng, giúp các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Thống nhất nhận thức, đưa Luật đi vào cuộc sống

Pháp luật sẽ khó đi vào cuộc sống nếu như năng lực thực thi không đáp ứng. Chính vì vậy, để Bộ luật với nhiều nội dung mới, quan trọng thực sự đi vào đời sống xã hội, được người dân tiếp nhận và thực hiện, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, các đơn vị địa chất và khoáng sản đã khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị triển khai đưa Luật đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, hiện nay, các đơn vị địa chất và khoáng sản đang nỗ lực triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Bộ trưởng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện cũng như các nội dung liên quan được giao. Cùng với đó, nhiệm vụ quan trọng là hoàn thành các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về khoáng sản nhóm IV; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; cũng như các Thông tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Luật Địa chất và Khoáng sản với nhiều điểm mới, thay đổi lớn về chính sách, kỳ vọng về một ngành công nghiệp khai khoáng bền vững hơn, hiệu quả và minh bạch hơn đang dần trở thành hiện thực.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Hy vọng rằng, với Bộ luật quan trọng được ban hành, cùng những cố gắng, nỗ lực đưa Luật vào cuộc sống, với sự vào cuộc có trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ tài nguyên Quốc gia phát triển bền vững ngành khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO