Môi trường

Bảo vệ môi trường niên vụ nông sản 2024-2025 tại Mai Sơn (Sơn La): Chủ động phòng ngừa, kiểm soát

Nguyễn Nga 04/09/2024 - 14:02

(TN&MT) - UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa có công văn gửi UBND các xã, thị trấn về triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn nước trước, trong niên vụ nông sản 2024 – 2025.

Duy trì kiểm tra, giám sát

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2024-2025, Chủ tịch UBND huyện giao Chủ tịch UBND 10 xã: Chiềng Chung, Chiềng Mung, Chiềng Dong, Nà Ớt, Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Kheo, Hát Lót, Cò Nòi và Chiềng Ban rà soát, cập nhật danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến sẽ tiến hành chế biến nông sản (cà phê, mía, dong…) niên vụ 2024-2025.

z5794852328325_66313213722dc3ccdae6d41509b630be.jpg
Mai Sơn triển khai rà soát số lượng các cơ sở dự kiến chế biến cà phê niên vụ 2024-2025.

Với cơ sở dự kiến hoạt động, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải; công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến với UBND cấp xã, quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất và vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định.

Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản thuộc thẩm quyền đăng ký môi trường của UBND cấp xã hoặc các cơ sở khác thuộc thẩm quyền quản lý, do đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã là Tổ trưởng. Thời gian kiểm tra, giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2025.

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản. Triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2024.

Tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa các cơ sở với Chủ tịch UBND cấp xã. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

UBND huyện giao phòng TN&MT chủ trì, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, hoặc các cơ sở khác thuộc thẩm quyền quản lý. Thời gian kiểm tra, giám sát đến hết tháng 5/2025.

Hướng dẫn các hộ đã đăng ký sơ chế cà phê quả tươi niên vụ 2024-2025 hoàn thiện các thủ tục về môi trường; hướng dẫn UBND cấp xã xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản.

Chuyển biến tích cực

Theo số liệu từ UBND huyện Mai Sơn, năm 2023, toàn huyện có trên 8.500ha cà phê, trong đó, hơn 7.300ha đã cho thu hoạch; năng suất đạt trên 95.000 tấn quả tươi. Niên vụ 2023-2024, có 116 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi, tập trung tại các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong…

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, UBND huyện đã tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp về bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê với 70 hộ sơ chế trên địa bàn xã Chiềng Ban; rà soát số hộ sơ chế nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Duy trì hoạt động Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở; đã triển khai trên 20 lượt kiểm tra, giám sát. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử phạt 4 trường hợp xả nước thải sơ chế cà phê vượt quy chuẩn ra môi trường với tổng tiền phạt 335 triệu đồng.

img_7458.jpg
Niên vụ 2023-2024, Đoàn liên ngành của huyện Mai Sơn đã triển khai trên 20 lượt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở chế biến nông sản.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường gồm: Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; vận dụng mô hình xử lý chất thải trong hoạt động sơ chế cà phê quy mô nông hộ đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các hộ sơ chế cà phê đã được nâng lên, cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện đúng, đủ các nội dung Kế hoạch bảo vệ môi trường, bản đăng ký môi trường đã được xác nhận, có hệ thống thu gom chất thải, nước thải cà phê. Các cơ sở đều đã ký cam kết với Chủ tịch UBND xã về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2023 – 2024.

Tuy nhiên, do diện tích cà phê, sắn… trên địa bàn huyện tương đối lớn, các nhà máy tập trung có công nghệ xử lý nước thải đủ điều kiện hoạt động không đáp ứng hết sản lượng nông sản của nhân dân trên địa bàn, dẫn tới còn nhiều cơ sở sơ chế nông sản quy mô nông hộ.

Bên cạnh đó, để đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi đạt quy chuẩn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng, trong khi thu nhập của các hộ chủ yếu phụ thuộc mùa vụ cà phê, máy móc sơ chế thủ công nên khó xác định công suất; thời gian hoạt động từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ý thức chấp hành của một số hộ gia đình, cá nhân vẫn còn ở mức thấp, chưa phát huy được sự vào cuộc của cộng đồng, chưa mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm. Dẫn đến còn xảy ra ô nhiễm đoạn suối chảy qua UBND xã Chiềng Mung, Chiềng Mai, Mường Bon; ô nhiễm giếng nước sinh hoạt tại bản Lọng Khoang, xã Hát Lót....

"Hiện nay, huyện Mai Sơn đang kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng giải pháp xử lý nước thải trong hoạt động cà phê quy mô nông hộ" - ông Nguyễn Sơn Hải thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường niên vụ nông sản 2024-2025 tại Mai Sơn (Sơn La): Chủ động phòng ngừa, kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO