Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai: Cần những giải pháp tổng thể

29/11/2013 00:00

Mỗi ngày, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thải ra khoảng 2.732.436m³ nước thải sinh hoạt và 1.832.854m³ nước thải công nghiệp.

Mỗi ngày, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thải ra khoảng 2.732.436m³ nước thải sinh hoạt và 1.832.854m³ nước thải công nghiệp. Dự báo đến năm 2020, con số đó khoảng 2.282.306m³ nước thải sinh hoạt và 760.211m³ nước thải công nghiệp. Đây là một sức ép rất lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông trong hiện tại và tương lai.
   
Chất lượng nước bị suy giảm mạnh
   
  Tại Hội thảo “Giải pháp nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai” vừa được Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức,  GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện nay đang bị suy giảm mạnh. Trong đó, nồng độ các chất như chì (Pb), Cadimi (Cd), hàm lượng sắt, dầu và oxy hóa luôn vượt tiêu chuẩn cho phép gần 10 lần. Cá biệt, nồng độ Coliform trên sông Đồng Nai đo được dao động từ 230 - 240.000 MPN/100ml, vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần. Đặc biệt, những đoạn sông  dùng để lấy nước thô phục vụ sinh hoạt của hai nhà máy nước là Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Dầu Một (tổng công suất 330.000 m3/ngày đêm) đều không đạt tiêu chuẩn.
   
  Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông là nước thải sinh hoạt chiếm gần 90% tổng lượng chất thải bị thải ra sông; số còn lại là do nước thải từ hoạt động sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, các bãi chôn lấp rác, hoạt động giao thông đường thủy và bệnh viện.
   
   
Cần nhiều giải pháp tổng hợp để bảo vệ chất lượng môi trường nước sông Sài Gòn – Đồng Nai
    
  Ngoài ra, việc hình thành quá nhiều thủy điện ở cả nhánh chính và nhánh phụ đang gây nên những tác hại lớn cho môi trường hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, đặc biệt là tình trạng lũ chồng lũ, kiệt nước vào mùa khô càng kiệt hơn... Diện tích rừng bị phá để xây dựng hồ chứa thủy điện nhưng không được các chủ đầu tư phục hồi, bù đắp theo đúng cam kết.  Theo GS-TS Tăng Đức Thắng - Viện trưởng Viện  Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện trên dọc hệ thống sông chính và nhánh của sông Đồng Nai có 15 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động, bao gồm: Hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh, Đồng Nai 1, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 8, hồ Dầu Tiếng, Trị An, hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Fu Miêng, hồ Phước Hòa.
   
Kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ
   
  GS-TS Nguyễn Văn Phước: Để cải thiện, bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, các địa phương trên lưu vực cần phối hợp rà soát, phân loại và xác định những điểm nóng ô nhiễm, nhất là tại khu vực lấy nước cấp sinh hoạt… từ đó xây dựng những giải pháp ưu tiên bảo vệ chất lượng nguồn nước tại những khu vực này. Thiết lập các trạm kiểm soát tự động chất lượng nước sông tại các trạm thu nước thô cấp nước sinh hoạt; đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt sông, tăng tần suất quan trắc để kiểm soát chất lượng nguồn nước.
   
  Các địa phương cũng cần hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải và rác thải đô thị; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị vì đây là nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất, đặc biệt ưu tiên phía thượng nguồn. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt như lên men mêtan từ rác hữu cơ kết hợp phát điện, đốt kết hợp phát điện, sản xuất than, chất đốt từ rác hữu cơ…hạn chế chôn lấp vì có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cao. Đặc biệt, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến xả nước thải ra sông, hạn chế các ngành nghề, khu công nghiệp có mức phát thải ô nhiễm cao về lưu lượng và tải lượng.
   
  Đối với vấn đề hồ chứa thủy điện, GS-TS Tăng Đức Thắng cho rằng cần phải xây dựng quy trình vận hành tích, xả lũ thích hợp đối với các hồ chứa, đập thủy điện. Quy trình này sẽ được tích hợp với mạng lưới dự báo, cảnh báo sớm. Muốn làm được thế, về phía cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu, cân bằng được lợi ích kinh tế giữa các chủ đầu tư thủy điện; kiên quyết loại bỏ những thủy điện nhỏ, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, cần xử lý thật mạnh tay, truy cứu trách nhiệm với những nhà máy thủy điện xả lũ sai quy định. Ông Thắng cũng đưa ra một số gợi ý nhằm giảm nguy cơ ngập cho TP.HCM: Đối với hồ Dầu Tiếng, tăng dung tích phòng lũ vào các tháng giữa mùa lũ, bổ sung từ hồ Phước Hòa những tháng cuối lũ cho mùa khô năm sau, về sau có thể nghiên cứu nâng cấp hồ để tăng dung tích phòng lũ; với hồ Trại An, có thể dành thêm dung tích phòng lũ (vì đã có bổ sung nguồn nước vào mùa khô từ các hồ phía trên).
   
  PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh: Mặc dù  có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chất lượng nước lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai đang ở mức báo động. Nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời, đồng bộ thì nguy cơ ô nhiễm sẽ tăng lên. Ngoài những giải pháp về quản lý, thực thi pháp luật, sự phối hợp giữa các địa phương thì những giải pháp về khoa học công nghệ cũng rất quan trọng. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay chính là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để xử lý nguồn thải, nhất là nguồn thải nước sinh hoạt; đầu tư hệ thống xử lý nước thải  của các doanh nghiệp, bệnh viện, làng nghề đúng kỹ thuật... Sắp tới, TP.HCM sẽ kiến nghị lắp đặt dày hơn nữa hệ thống quan trắc tự động trên sông Đồng Nai phục vụ cho công tác kiểm soát chất lượng nguồn nước, kịp thời phát hiện nguồn thải ô nhiễm và có hướng giải quyết cụ thể.
   
Nguyễn Thanh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai: Cần những giải pháp tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO