Bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại: Doanh nghiệp chủ động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Việt Đức| 10/09/2020 10:24

(TN&MT) - Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tham gia “sân chơi” quốc tế, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận chuyển đổi công nghệ phù hợp theo hướng sạch hơn, bền vững hơn. Không nằm ngoài xu thế này, những ngành công nghiệp có sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cũng đang tìm cách vượt rào cản để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Công ty TNHH Yantai Moon (Việt Nam) là đơn vị cung cấp xốp cách nhiệt cho các đối tác trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp, kho lạnh và đã sử dụng chất HCFC-141b trộn sẵn trong polyol để sản xuất xốp cách nhiệt từ hơn chục năm nay. Theo ông Suo Hong Tao, Giám đốc Công ty Yantai Moon Việt Nam, hiện tại, sản phẩm của chúng tôi không thể xuất khẩu qua những quốc gia cấm nhập HCFC-141b hoặc các sản phẩm làm từ nguyên liệu trên. Bởi vậy, Công ty quyết định làm đề xuất để gửi lên Ban quản lý Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 2 (HPMP II) với mong muốn nhận được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ an toàn và thân thiện môi trường.

Tham gia Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng công nghệ cyclo-pentane  là chất không làm suy giảm tầng ô-dôn và có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp. “Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới, khách hàng, đối tác có thể yên tâm hơn khi hợp tác cùng doanh nghiệp, không còn lo lắng các vướng mắc về môi trường. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi cũng sẽ mở rộng hơn”, ông Suo Hong Tao chia sẻ.

Đại diện Dự án kế hoạch loại trừ các chất HCFC làm việc tại Công ty Yantai Moon

Theo ông Hoàng Minh Quân, đại diện Ban quản lý Dự án HPMP II, chất thay thế Cyclo-pentane có chỉ số tiềm năng nóng lên toàn cầu là 15, thấp hơn rất nhiều so tiềm năng nóng lên toàn cầu của HCFC-141b là 725. Bởi vậy, bên cạnh việc loại trừ chất làm suy giảm tầng ô dôn, việc chuyển đổi công nghệ cũng góp phần đáng kể vào giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – tác nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, việc cải tiến phương pháp sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tới nhóm các nước phát triển. Đây là nhóm khách hàng đem lại giá trị thương mại lớn nhưng đồng thời có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là rào cản về xuất xứ hàng hóa bảo vệ môi trường khi mà các nước bắt đầu thực hiện các quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Dự án HPMP II hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí loại trừ sử dụng HCFC-22 trong sản xuất; các doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt loại trừ sử dụng HCFC-141b trộn sẵn trong polyol. Các doanh nghiệp sẽ được tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi công nghệ sang các chất an toàn với môi trường như Cyclo-pentane, Methyl format trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; HFC-32 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí.

Ngoài Công ty Yantai Moon, hiện có 5 doanh nghiệp cũng đang xây dựng đề xuất tiểu dự án để gửi Ban Quản lý dự án HPMP II, Cục Biến đổi khí hậu xem xét, phê duyệt kinh phí tài trợ. Để nhận được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện, bao gồm: có chủ sở hữu thuộc các nước đang phát triển và là doanh nghiệp sản xuất, thành lập trước ngày 21/9/2007; có sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong sản xuất kinh doanh; công nghệ chuyển đổi phải sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn và có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp. Doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ nếu đáp ứng tiêu chí đề ra đều có thể tham gia dự án. Tham gia dự án chuyển đổi công nghệ vừa giúp xây dựng hình ảnh vừa nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường dẫn đầu chuyển đổi sang công nghệ thay thế sẽ là một minh chứng tốt về việc áp dụng các công nghệ mới để bảo vệ tầng ô-dôn, bảo vệ môi trường, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác thực hiện theo.

Điều quan trọng là bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, chính các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn để đáp ứng các quy định trong nước và quốc tế. Với quy mô và năng lưc phần lớn là nhỏ và vừa, đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để DN Việt Nam tập trung điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại: Doanh nghiệp chủ động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO