Bảo vệ chất lượng nước – Ưu tiên hàng đầu trong công tác BVMT

14/07/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 14/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên minh Nước sạch tổ chức Diễn đàn Bảo vệ môi trường “Nguồn nước sạch và phát triển bền vững: Vấn đề chính sách” nhằm thảo luận về các biện pháp đảm bảo nguồn nước sạch và phát triển bền vững cho Việt Nam. Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch VUSTA cho biết: Nước là thành phần rất quan trọng đối với môi trường. Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các sự cố môi trường những năm gần đây gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch, làm suy thoái hệ sinh thái là một hồi chuông cảnh báo về vấn đề kiểm soát ô nhiễm các vùng nước mặt tại Việt Nam.

Ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại diễn đàn
Ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, bảo vệ chất lượng nước, các vùng nước mặt cũng chính là bảo vệ sinh kế của người dân gắn liền với nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác liên quan đến nước; do đó trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng
Bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

Bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, cho biết: Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2015 – 2030, có 2 mục tiêu liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước, đó là mục tiêu thứ 6 Nước sạch và vệ sinh môi trường và mục tiêu 14 Cuộc sống dưới nước.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, sở dĩ mục tiêu Nước sạch và vệ sinh môi trường được quan tâm và thảo luận rộng rãi là do trên 80% nước thải từ các hoạt động của con người thải thẳng vào hệ thống sông ngòi và biển không qua xử lý các chất ô nhiễm; mỗi ngày gần 1.000 trẻ em chết do các bệnh liên quan tới các bệnh truyền nhiễm từ nước; lũ lụt và các thiên tai liên quan tới nước gây ra tới 70% tỷ lệ tử vong do thiên tai.

Về mục tiêu cuộc sống dưới nước, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng mục tiêu này liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và các tài nguyên biển. Cụ thể, 97% nước trên trái đất là nước biển; giá thị trường các nguồn tài nguyên và công nghiệp biển chiếm 3.000 tỷ đô la, 63% các dịch vụ sinh thái toàn cầu do biển và các vùng duyên hải cung cấp; SDG 14 tạo khung nhằm quản lý bền vững và bảo vệ hệ sinh thái vùng ven biển, các sinh vật biển trước các nguồn ô nhiễm từ đất liền, cũng như nhằm giải quyết các ảnh hưởng do axit hóa đại dương.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nước và phát triển thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết: Thủy sản liên quan nhiều tới nước. Thủy sản có ảnh hưởng trở lại tới môi trường, nếu không kiểm soát tốt chất thải và nước thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nước.

Ông Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản phát biểu tại diễn đàn
Ông Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản phát biểu tại diễn đàn

Đề xuất những giải pháp, chính sách để hạn chế những thiệt hại thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng cần hỗ trợ khai thác, ngoài 30 hải lý, tàu 90-200CV; giám sát, thông tin kịp thời chất lượng hải sản; phục hồi tiêu thụ hải sản; phục hồi rạn san hô; giám sát, hướng dẫn xử lý nước khi nuôi trồng thủy sản.

Để bảo vệ, quản lý môi trường, ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn xả thải; giám sát xả thải về chỉ tiêu, tần suất; xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân.

Nhấn mạnh vai trò của nước với du lịch, TS Nguyễn Quang Vinh – Phó Trưởng Khoa du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Nước là trung tâm của các cảnh quan du lịch, tạo ra cảnh quan du lịch; là nền tảng cho các hoạt động quan trọng như hoạt động vui chơi giải trí; nguồn nước tạo ra mục đích cho chuyến du lịch đó…

TS Nguyễn Quang Vinh – Phó Trưởng Khoa du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
TS. Nguyễn Quang Vinh – Phó Trưởng Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với du lịch

Ông Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường cho rằng môi trường nước vẫn bị ô nhiễm là do cách tiếp cận xây dựng chính sách và pháp luật chưa phù hợp; có rất nhiều luật khung và nhiều Bộ ngành, nhiều tỉnh chịu trách nhiệm triển khai dẫn đến chồng chéo quản lý và trách nhiệm; yếu tố tài chính và công nghệ rất ít; thiếu lồng ghép giữa công nghệ, tài chính, quản lý, con người, cộng đồng.

Theo ông Trương Mạnh Tiến, cần thiết phải thay đổi trong xây dựng chính sách và pháp luật vì có rất nhiều luật và văn bản dưới luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước nhưng ô nhiễm nước vẫn xảy ra; ô nhiễm nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến thế hệ tương lai; ô nhiễm nước gây thiệt hại đến kinh tế, thủy sản, du lịch.

Tin & ảnh: Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ chất lượng nước – Ưu tiên hàng đầu trong công tác BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO