Ngày 18/6, tại thành phố Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về giá trị Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện Ban quản lý các Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan về mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chia sẻ một số kết quả điều tra, khảo sát về các giá trị di sản địa chất của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, những phát hiện mới về nghiên cứu văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết, Quảng Ngãi là tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam, có bờ biển dài hơn 130km, diện tích đất liền hơn 5.100km2, dân số 1,3 triệu người, thu nhập hiện nay khoảng 33 triệu đồng vào nhóm trung bình. Trước đây, Quảng Ngãi là tỉnh thuần nông, đến nay sau 30 năm kiên trì, nỗ lực theo đuổi các giải pháp phát triển kinh tế, tổng sản phẩm (GRDP) tăng gấp 19 lần, trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng gấp 123 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 20 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11%/năm.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, là tỉnh có xuất phát điểm thấp nên phải lựa chọn, thậm chí là lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu trong trung hạn để tập trung mọi nguồn lực cho tăng trưởng, nhưng Quảng Ngãi cũng biết rằng đi kèm với đó là vấn đề phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được thành tích ấn tượng về tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, Quảng Ngãi hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, mà ở đó, tăng trưởng dựa vào năng suất, đổi mới sáng tạo là chủ yếu và phải thân thiện với môi trường của tỉnh là hết sức cần thiết. Tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm công bằng, thúc đẩy chuyển biến về văn hóa và các vấn đề xã hội dựa trên tiêu chuẩn các giá trị phổ quát của nhân loại; hợp tác, hội nhập với thế giới văn minh. Quảng Ngãi may mắn tìm thấy mô hình xây dựng công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu mà UNESCO khởi xướng, với tầm nhìn, sứ mạng và giá trị cốt lõi của nó rất hấp dẫn và phù hợp với mong muốn của tỉnh.
Tỉnh cũng nhận thấy tầm nhìn của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO là kiến tạo nên thịnh vượng và công bằng giữa các thế hệ; sứ mạng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xây dựng mô hình quản lý chuyên nghiệp, hỗ trợ những sáng kiến của cộng đồng địa phương và giá trị cốt lõi là bảo tồn di sản, sử dụng hợp lý tài nguyên; giáo dục và truyền thông cho công chúng về mối quan hệ giữa con người, địa chất, môi trường để thay đổi cách tiếp cận theo hướng tích cực; bảo đảm phát triển kinh tế bền vững dựa nền văn hóa đa dạng, bảo tồn các giá trị di sản phong phú; khuyến khích các sáng kiến phát triển kinh tế có sự tham gia của các bên trong mối quan hệ đối tác và đồng quản lý và thúc đẩy liên kết giữa các khu vực có giá trị văn hóa và di sản đa dạng, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên mạng lưới CVĐC để hành động cùng nhau vì một tầm nhìn toàn cầu về phát triển bền vững.
Quảng Ngãi đã tích cực đã xúc tiến kế hoạch xây dựng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành và hiệu quả của các chuyên gia đến từ mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành; xác định các khu vực địa chất, văn hoá có giá trị, với quy mô công viên khoảng 2.000km2 đất liền, chiếm 39% diện tích toàn tỉnh và 2.600km2 mặt nước biển, bao gồm toàn bộ chiều dài 130km bờ biển.
Quảng Ngãi cũng đã xúc tiến kế hoạch đưa vào khai thác, vận hành trên thực tế 04 tuyến du lịch công viên địa chất với khoảng 90 điểm địa chất có giá trị, cũng như phát triển mạng lưới đối tác trong phạm vi công viên; dần hoàn chỉnh hồ sơ và mong muốn được gia nhập vào mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO trong thời gian sớm nhất.
Qua đó, nhờ sức mạnh của mạng lưới, Quảng Ngãi có thể đi nhanh và đi xa hơn, việc tổ chức Hội thảo hôm nay là minh chứng cho những nỗ lực và cam kết của tỉnh với mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
“Việc tìm hướng đi mới tiến đến cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Vấn đề là không một tỉnh thành hay quốc gia nào có đủ sức để một mình giải quyết. Do vậy, tỉnh mong muốn nhận được tư vấn và trợ giúp của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề trước mắt và trong dài hạn”- Bí thư Quảng Ngãi khẳng định.
Hội thảo lần này được tổ chức vào thời điểm rất đặc biệt, đánh dấu 110 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh - nền văn hóa có niên đại hơn 3.000 năm, một trong 03 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam, được thế giới công nhận; và vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi.