Môi trường

Bảo tồn tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ

Minh Hạnh 15/11/2024 - 15:29

Ngày 15/11, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Dự thảo "Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ".

"Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ (các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát)" do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm đầu mối xây dựng văn bản.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Hữu – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học – cho biết: Đề án được xây dựng trong bối cảnh vấn đề bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, khái niệm “di sản thiên nhiên” lần đầu tiên được đưa vào quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây là giai đoạn việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên cũng đang chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật như luật đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản.

z6034198692579_f10921771b892f417bd1e507f8d5b8d8.jpg
Ông Lê Văn Hữu – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - phát biểu khai mạc hội thảo.

Thời gian qua, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện chính sách hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng; chất lượng môi trường ở nhiều nơi bị xuống cấp và không còn khả năng tiếp nhận chất thải; các tranh chấp, xung đột môi trường, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây thiệt hại cho môi trường, ảnh hưởng các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước,...

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các yêu cầu và nội dung về bảo vệ môi trường chưa được quán triệt lồng ghép đầy đủ vào các quy hoạch ngành, lĩnh vực và hoạt động phát triển. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó dự báo, đã và sẽ tiếp tục gây ra những áp lực lớn về quản lý tài nguyên và môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Dù vậy, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm tuy nhiên còn nhiều hạn chế.

Theo đó, Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát”.

Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ (các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát)". Nghị quyết giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án trong năm 2024.

z6034198692600_fdb1d33a73bb66c087a3e3aeef8c87d6.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Với vai trò là đơn vị đầu mối xây dựng dự thảo đề án, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã phối hợp với nhóm chuyên gia rà soát, kế thừa tối đa các dữ liệu đã có để phân tích, đánh giá hiện trạng.

Trên cơ sở đó, tiến hành khảo sát tại các khu di sản thiên nhiên, tổ chức hội thảo với các đơn vị cấp tỉnh để thảo luận về hiện trạng, những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên.

Hiện tại, đề án đang xây dựng theo 3 nội dung chính, đó là: Tổng quan công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vùng Đông Nam Bộ; Đánh giá, dự báo các yếu tố tác động, diễn biến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên giai đoạn 2024- 2030; Nội dung Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng đông nam bộ (các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát).

Đề án gồm 10 đối tượng: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ; khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; vườn quốc gia Cát Tiên; vườn quốc gia Bù Gia Mập; vườn quốc gia Côn Đảo; vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu Phước Bửu; khu bảo tồn thiên nhiên Văn hoá - Đồng Nai; khu bảo tồn thiên nhiên Núi Bà Đen; khu bảo tồn thiên nhiên Núi Bà Rá; Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã lắng nghe Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học giới thiệu về dự thảo đề án. Qua đó, chia sẻ những ý kiến liên quan tới các mục tiêu đặt ra và trao đổi về các vướng mắc liên quan tới cơ chế tài chính.

Kết luận hội thảo, ông Lê Văn Hữu – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - cho biết Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học ghi nhận và sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý làm cơ sở hoàn thiện dự thảo đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO