Bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tà Đùng để nâng cuộc sống người dân

Phạm Hoài| 18/10/2022 08:51

(TN&MT) - Hồ Tà Đùng gắn liền với đập thủy điện với diện tích mặt nước lên đến 5.000ha kéo dài đến tận tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại, ngoài việc phục vụ cho hoạt động thủy điện, hồ còn có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của người dân địa phương nói riêng và của tỉnh Đắk Nông nói chung.

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông về mục tiêu ổn định kinh tế cho người dân từ kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tà Đùng của tỉnh.

PV: Với hơn 5.000ha diện tích mặt nước, hồ Tà Đùng được xem là nguồn tài nguyên nước lớn nhất tỉnh. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước này hiện tại như thế nào?

Ông Võ Văn Minh:

Hồ Tà Đùng gắn liền với đập thủy điện với diện tích rộng lên đến 5.000ha mặt nước, kéo dài đến tận tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những hồ chính thuộc hệ thống thủy điện của xã Đắk Plao, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nên hồ Tà Đùng còn có tên gọi khác là hồ thủy điện Đồng Nai 3. Sau khi được ngăn dòng, hồ thủy điện trở nên rất rộng lớn. Toàn bộ diện tích hồ Tà Đùng nằm trong khu vực Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Do đó, công tác quy hoạch sử dụng mặt nước hồ Tà Đùng sẽ gắn liền với định hướng phát triển bảo vệ của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng.

a1.ong-vo-van-minh.jpg
ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông

Về công tác bảo tồn, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong đó hồ Tà Đùng thuộc danh mục các vùng đất ngập nước cần được bảo tồn. Quy chế đã quy định đầy đủ các yêu cầu cần phải thực hiện, trách nhiệm phối hợp của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động trong khu vực hồ Tà Đùng, trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nói chung và hồ Tà Đùng nói riêng.

PV: Có thể nói, nguồn tài nguyên nước lớn tại hồ Tà Đùng góp phần rất lớn vào sự cân bằng sinh thái cũng như giúp người dân sống xung quanh hồ thuận tiện phát triển nông, ngư nghiệp. Hiện, tỉnh Đắk Nông đã có kế hoạch nào để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân?

Ông Võ Văn Minh:

Với diện tích mặt nước lên đến 5.000ha như tại Hồ Tà Đùng, ngoài việc phục vụ cho thủy điện, phát triển kinh tế của tỉnh còn giúp tạo sinh kế cho người dân trong vùng phát triển về nông ngư nghiệp.

Hiện, người dân đang hưởng nhiều nguồn lợi từ các loại hải sản như: tôm, cá… trong lòng hồ Tà Đùng. Việc điều tiết hệ thống nguồn nước đều đặn cũng đã giúp cho quá trình tưới tiêu cho nông nghiệp của người dân quanh vùng được thuận tiện hơn. Tuy vậy, đối với việc phát triển ngư nghiệp trên lòng hồ Tà Đùng, cần phải cân nhắc để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt khi nguồn nước hồ Tà Đùng không chỉ có ý nghĩa đối với cảnh quan du lịch, cân bằng sinh thái mà còn là thượng nguồn của sông Đồng Nai nên cần đảm bảo về chất lượng nguồn nước. Đồng thời, công tác quản lý về phát triển ngư nghiệp cũng cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và sở chuyên ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

a2.-ho-ta-dung.jpg

Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long” trên Tây Nguyên.

Những năm qua, tỉnh Đắk Nông cũng đã họp bàn và quan tâm chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước của hồ Tà Đùng, nhất là tạo điều kiện phù hợp để người dân quanh vùng được hưởng lợi từ các sản vật được tạo ra trong lòng hồ. Từ đó, giúp cho đời sống của người dân ngày một nâng cao.

PV: Để phát huy được giá trị từ tài nguyên nước hồ Tà Đùng, đồng thời giúp người dân sớm tiếp cận được những chính sách phát triển kinh tế cũng như bảo vệ nguồn nước ổn định và bền vững, ngành TN&MT tỉnh có những kiến nghị đề xuất gì với lãnh đạo tỉnh cũng như tham mưu các biện pháp triển khai thực hiện?

Ông Võ Văn Minh:

Nguồn tài nguyên nước trên hồ Tà Đùng đã và đang mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như ngành du lịch, nông nghiệp, năng lượng. Hiện nay, các ngành như: Công thương, Du lịch và Nông nghiệp đang đề xuất các định hướng phát triển và cập nhật vào quy hoạch của tỉnh. Ngành TN&MT tỉnh Đắk Nông cũng đã đề xuất có các giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững hồ Tà Đùng.

Cụ thể, Sở TN&MT tham mưu UBMD tỉnh Đắk Nông đưa 4 điểm quan trắc chất lượng nước mặt hồ Tà Đùng vào chương trình quan trắc môi trường hằng năm với tần suất 6 lần/năm. Qua kết quả quan trắc định kỳ và đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (B1) quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cho thấy đều thấp hơn nhiều so với quy chuẩn. Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông còn có Văn bản số 834 ngày 20/4/2022 về việc hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân sinh sống, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Đồng Nai 3.

thong-tin-ve-ho-ta-dung-dak-nong.jpg
hồ Tà Đùng không chỉ có ý nghĩa đối với cảnh quan du lịch, cân bằng sinh thái mà còn là thượng nguồn của sông Đồng Nai

Hiện ngoài việc phục vụ thủy điện phát triển kinh tế - xã hội, hồ Tà Đùng còn góp phần tạo nên một quang cảnh hết sức kỳ vỹ và thơ mộng. Đặc biệt, hệ thống hồ Tà Đùng có hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ được ví như Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên. Chính vì vậy, tỉnh Đắk Nông rất chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước hồ Tà Đùng nhằm hướng đến phát triển du lịch sinh thái bền vững; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân bản địa có cơ hội tham gia các hoạt động kinh doanh về du lịch, góp phần ổn định cuộc sống, hướng tới giảm nghèo bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tà Đùng để nâng cuộc sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO