Môi trường

Bảo tồn động vật hoang dã: Đề cao vai trò của người dân

Hoàng Hiền 31/10/2023 - 17:12

(TN&MT) - Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, đòi hỏi những giải pháp khả thi và sự nỗ lực hơn nữa đối với công tác bảo tồn. Một trong những giải pháp được đánh giá là hiệu quả và thiết thực đó là nâng cao vai trò của người dân bản địa.

Những thách thức trong công tác bảo tồn

Theo báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận được khoảng 50.000 loài sinh vật, song, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số loài động thực vật, đặc biệt là động vật nguy cấp, quý hiếm đã và đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép, mất môi trường sống hoặc môi trường sống bị tác động và suy giảm... Đây là vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.

Hơn nữa, trong thời đại số, việc ngăn chặn các hành vi buôn bán ĐVHD càng trở nên khó khăn hơn bởi ĐVHD bị mua bán, quảng cáo trên không gian mạng dưới các hình thức núp bóng, trá hình với số lượng ngày càng gia tăng. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính trên không gian mạng, đặc biệt là cáctrang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm ĐVHD khác. Các sản phẩm ĐVHD được rao bán ngày càng trở nên đa dạng hơn trên các nền tảng xã hội.

091023_bbdvhd4.jpg
Động vật hoang dã bị buôn bán công khai trên mạng

Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như của các sàn thương mại điện tử, những người bán sản phẩm ĐVHD trên không gian mạng còn cố tình viết sai chính tả, thậm chí viết sai quy cách, hay dùng tiếng lóng để ám chỉ, ra hiệu ngầm hoặc thành lập những hội, nhóm kín được thành lập với mục đích trao đổi, mua bán ĐVHD. Bên cạnh đó, các kênh Youtube với những đoạn video có nội dung săn bắt ĐVHD được đăng tải với tần suất ngày càng nhiều và không được kiểm soát thu hút được sự quan tâm của cư dân mạng... khiến cho công tác ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trở nên khó khăn.

Ngoài ra, trào lưu nuôi ĐVHD làm thú cưng cũng đang khiến gia tăng các hoạt động buôn bán ĐVHD trực tuyến (đối với cả loài bản địa và loài ngoại lai). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương ghi nhận số lượng vụ việc liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất trên cả nước, do đó, các cơ quan chức năng của hai địa phương này cũng phải đối diện với khối lượng công việc lớn nhất để giải quyết các vấn đề về ĐVHD.

Sự đồng hành của người dân giúp công tác bảo tồn hiệu quả hơn

Bằng việc tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, những văn bản pháp lý cụ thể ở nhiều mức độ từ chính sách, văn bản luật và dưới luật được ban hành để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES. Hệ thống chính sách, quy định pháp luật về buôn bán ĐVHD được ban hành tương đối sớm và luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam và phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như CITES, CBD và Nghị định thư Cartagena, cụ thể như: Bộ Luật hình sự năm 2017 và Luật Lâm nghiệp năm 2017.

358351364_695590575898965_5723685494160295976_n.jpg
Hai em học sinh ở Huế bàn giao cá thể kỳ đà vân cho Hạt Kiểm lâm TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Bên cạnh đó, nhiều chương trình bảo tồn cấp quốc gia như Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022, Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam, Đề án Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2025, Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030… đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo báo cáo của Tổ chức ENV, các địa phương đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo bao gồm Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Nam. Năm 2022, Quảng Nam đứng đầu trong 5 tỉnh đạt hiệu quả xử lý các báo cáo về vi phạm buôn bán, tiêu thụ ĐVHD với tỉ lệ lên đến 84,6%. Bên cạnh đó, tỉnh này có kết quả xử lý thành công các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống đạt 90%. Báo cáo cũng đánh giá hiệu quả công tác xử lý tại các địa phương ghi nhận số lượng thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất.

Tuy gặt hái được nhiều kết quả tốt và được Chính phủ và các cấp, các ngành quan tâm, nhưng công tác bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như công tác cứu hộ còn nhiều bất cập, khả năng cứu hộ còn hạn chế, các Trung tâm cứu hộ ĐVHD thường xuyên bị quá tải… Đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn kỹ thuật, thiếu nguồn lực để bảo vệ ĐVHD… Do đó, bảo vệ ĐVHD không chỉ cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đoàn thể, khu vực tư nhân, cộng đồng…

z4351754791368_c32885a03a38ac3f264a0796a0833143-1-.jpg
Người dân bàn giao cá thể tê tê Java cho trung tâm cứu hộ tại Cúc Phương

Ông Lê Trọng Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: "Những năm trở lại đây, nhận thức công chúng đã được nâng cao rõ rệt. Điều này có thể thấy qua việc ngày càng có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân, liên hệ với Vườn để tự nguyện giao nộp ĐVHD.Trong số này, nhiều cá thể đã từng bị nuôi nhốt như thú cảnh trong nhà, nhưng nhờ được tiếp cận thông tin và được tuyên truyền nhiều về bảo vệ ĐVHD, cùng với sự hỗ trợ từ các Trung tâm, Chương trình bảo tồn động vật tại Cúc Phương nên các tổ chức/người dân tự nguyên liên hệ giao nộp động vật để chúng được chăm sóc tốt hơn. Vườn luôn đánh giá cao sự hỗ trợ từ phía các tổ chức/người dân. Sự chung tay, đồng hành này của công chúng và xã hội đã giúp cho công tác bảo tồn của Vườn dễ dàng hơn và cho thấy trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường trong đó có bảo vệ ĐVHD là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong công tác bảo tồn, cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng, không có sự phối hợp từ người dân, các cơ quan chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn".

Nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn bán ĐVHD, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các nhà bảo tồn, mỗi cá nhân cần thay đổi hành vi ứng xử của mình đối với thiên nhiên cũng như đối với đa dạng sinh học và môi trường bằng các biện pháp thiết thực như: tham gia các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về ĐVHD, thay đổi nhận thức về tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, tích cực vận động người thân, bạn bè thực hiện tốt các nội dung trên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn động vật hoang dã: Đề cao vai trò của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO