Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết bão số 9 quét qua đảo Song Tử Tây chiều tối 18/12, khiến 2 cột đo gió bị đổ, mất kết nối hoàn toàn. Số liệu gió mạnh nhất ghi nhận được trước khi mất tín hiệu là 45.61m/s (cấp 14), giật 56.79m/s (cấp 17). Đây là cường độ gió lớn nhất trong lịch sử từng đo được trên mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Việt Nam. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rìa phía tây bắc bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, trạm khí tượng tại đảo Lý Sơn đã quan trắc được gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Thống kê từ năm 1951 đến nay, trong tháng 12 có 100 cơn bão xuất hiện trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, nhưng đa số ở ngoài Biển Đông, một số cơn đi vào Biển Đông thì di chuyển chủ yếu ở phía nam Biển Đông, rất ít có những cơn đi lên phía bắc và đường đi giống cơn bão Rai thì chưa xuất hiện.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc sau đổi hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Ảnh: TTDB KTTV QG |
Bão đổi hướng, gió giật cấp 16, sóng cao từ 8-10m
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi-Bình Định khoảng 180km về phía Đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 200km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc sau đổi hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 21/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 240km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Về gió mạnh và sóng lớn trên biển, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; riêng vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế-Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội; ở vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 2,0-5,0m; biển động dữ dội.
Về gió mạnh trên đất liền, tối và đêm nay (19/12), trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Tối và đêm nay (19/12), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại Thừa Thiên - Huế |
Bão làm 1 người chết, chìm 5 tàu cá
Báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, đến 17 giờ hôm nay (19/12), có 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có lệnh cấm biển.
Tính đến 16h00 ngày 18/12, đã tổ chức kiểm đếm và kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú, cụ thể: 58.720 tàu/298.360 lao động của các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận biết diễn biến của bão để di chuyển tránh trú hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cụ thể, 1.781 tàu/12.241 người hoạt động trên biển (trong đó: có 14 tàu/111 lao động hoạt động ở Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Quảng Ngãi)). 56.939 tàu/286.119 lao động hoạt động khu vực khác hoặc neo đậu tại bến.
Các địa phương cũng rà soát phương án để sẵn sàng di dời 662 hộ/2.356 người trên các đảo: Lý Sơn (88 hộ/205 người), Cù Lao Chàm (336 hộ/1.090 người), Cồn Cỏ (19 hộ/70 người), Phú Quý (219 hộ/991 người).
Tiến hành kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa đã đầy nước.
Về tình hình hồ chứa, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 847 hồ thủy lợi (trong đó: 119 hồ chứa có tràn cửa van; có 728 hồ có tràn tự do). Dung tích chứa các hồ đều đạt 80-100% dung tích thiết kết: Cẩm Ly, Trung Thuần 100% (Quảng Bình); Phú Bài 2: 102%, Châu Sơn: 106% (Thừa Thiên Huế).
Về hồ thủy điện, có 10 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Đăk Mi 3 (17/17 m3/s); Đăk Mi 4A (71/167 m3/s); Krong Hnang (39/39 m3/s); Sông Bung 6 (6/120 m3/s); Sông Hinh (100/158 m3/s); Sông Tranh 2 (6/191 m3/s); Trà Xom (11/7 m3/s); Vĩnh Sơn A ( 10/24 m3/s); Vĩnh Sơn B (15/10 m3/s); Vĩnh Sơn C (10/9 m3/s).
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến thời điểm này, bão số 9 đã làm 1 người chết tại tỉnh Bình Thuận (bị lật thuyền thúng do sóng to khi di chuyển ra tàu cá neo đậu ở ven bờ). 5 tàu cá bị chìm và 3 tàu cá hư hỏng tại nơi neo đậu sát bờ (Bình Thuận).
Tại đảo Song Tử Tây đảo Đá Nam Bão, bão làm gãy 2 cột đo gió; 90% cây xanh bị gãy đổ; 27 tấm pin mặt trời hư hỏng; tốc mái 500m2.
Tại Philippines, bão số 9 (bão RAI) đã làm 75 người chết và mất tích; 3.783 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng đến 181.500 hộ/706.000 người.