Bão số 7 tiếp tục mạnh lên, chủ động phương án ứng phó

Thanh Tùng| 08/10/2021 13:38

(TN&MT) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Bão đang mạnh lên

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ, đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ, đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 7 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Bão số 7 di chuyển theo hướng Bắc và tiếp tục mạnh lên

Mưa to, cảnh báo lũ quét, ngập úng

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong ngày hôm nay (8/10), ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm; Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 8/10, mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên. Từ đêm 8/10, mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên.

Từ ngày 9-12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. Cụ thể, từ chiều 9/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm; từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Đa Krông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, TX Quảng Trị, TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị); TP. Huế, Nam Đông, TX Hương Trà, Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền ( Thừa Thiên - Huế); TP. Đà Nẵng; TP. Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP. Hội An, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).

Chưa có sự cố về tàu, thuyền trên biển

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, về tàu cá, hiện đã kiểm đếm, kêu gọi 61.468 tàu/278.639 người biết vị trí, hướng di chuyển đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Trong đó 4.557 tàu/15.419 LĐ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình hoạt động trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, đã nắm được thông tin và di chuyển tránh bão; các tàu từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi không còn trong khu vực nguy hiểm, riêng 2 tàu Quảng Ngãi cách tâm bão 80km về phía Đông đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (Chủ tàu vẫn duy trì liên lạc); chưa có sự cố về tàu, thuyền trên biển.

Về tàu vận tải, tính đến 17h00 ngày 7/10/2021, có 564 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Định, trong đó, có 318 tàu biển và 246 phương tiện thủy nội địa.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình diện tích lúa chưa thu hoạch là 251.631; các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên diện tích lúa chưa thu hoạch còn 21.777.

Đối với hình hình hồ chứa, tính đến 6h00 ngày 8/10, các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dung tích các hồ đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 48 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo đúng quy trình. Một số hồ thủy điện có dung tích lớn hơn như: Chi Kê: 100%; A Lưới 99,9%; An Khê: 99%; Sê San 4A 100%; Đồng Nai 2: 99%; Srok Phu Miêng: 98%.

Hồ chứa thủy lợi khu vực từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, có 9 hồ đang xả tràn; 272 hồ đang thi công (một số tỉnh có nhiều công trình: Hòa Bình 22, Nghệ An 29, Quảng Nam 14, Đăk Lăk 21).

Khu vực Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế có 55 vị trí đê điều, xung yếu; 15 công trình đang thi công dở dang.

Các đại biểu tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến

Sẵn sàng phương án ứng phó

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu; tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh có phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh bão. Di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu; có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu. Theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều và hồ chứa.

Rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ an toàn cho lúa và cây vụ đông; Tổ chức thu hoạch lúa đã chín theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. Sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp. Các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 7 tiếp tục mạnh lên, chủ động phương án ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO