Trước đó, hồi 16 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc; 106,8 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12. Trong 3-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 11 giờ ngày 28/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ vĩ Bắc; 105,2 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo trong 2-3 ngày tới gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trở lại gây thời tiết xấu ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và mưa vừa, có nơi mưa to ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.
Ngoài ra, hiện nay ở khu vực phía Đông Phillipines tồn tại một vùng áp thấp đang mạnh lên và có khả năng di chuyển vào biển Đông. Cần chú ý theo dõi các bản tin cảnh báo tiếp theo.
T.H