Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải thúc đẩy phát triển công nghệ

Hoàng Ngân| 01/07/2020 15:20

(TN&MT) - Đó là vấn đề được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp tập trung thảo luận tại Hội thảo: “CPTPP&EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI) tổ chức vào sáng 1/7 tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI) cho biết: Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs). Trong đó, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, phạm vi điều chỉnh bao trùm nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hai hiệp định này sâu hơn đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền SHTT liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền SHTT trong CPTPP & EVFTA có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mai Đa Biên cho biết: Sau hơn 1 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã giúp ích rất nhiều cho Việt Nam, về cơ bản, những kỳ vong đặt ra đã đạt được. Về EVFTA, Việt Nam có kỳ vọng rất nhiều vì đây là thị trường lớn. Cụ thể, xuất khẩu tăng 42,7% vào 2025, 44,4% vào 2030; đầu tư từ EU, các nước khác gia tăng để tận dụng EVFTA; cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các cam kết của hiệp định; EVFTA có tác động lớn đến xã hội, dự kiến tạo ra 146.000 việc làm/năm.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, để đạt được những kỳ vọng trên cần sự nỗ lực, rút kinh nghiệm từ việc thực thi Hiệp định CPTPP để áp dụng cho EVFTA.

Chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Nhìn toàn cảnh về Hiệp định CPTTP và EVFTA cho ta thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội về xuất khẩu; nâng cao thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, kỉ luật sản xuất kinh doanh chặt chẽ, minh bạch.

Cuối cùng là cơ hội cho người tiêu dùng Việt tiếp cận với những hàng hóa, các thiết bị dùng cho sản xuất và tiêu dùng và các gia đình với chất lượng cao, giá cả hợp lý, tránh được việc mua phải những hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền SHTT.

Theo ông Trịnh Minh Giang – Chủ tịch VMCG, Sáng lập Strategy Academy, SHTT có vai trò đảm bảo cho môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật; bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả.

Bên cạnh đó, SHTT khẳng định vị trí độc quyền của người được cấp SHTT về các sáng chế, nghiên cứu và giúp các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nói chung có lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc.

Tại Hội thảo, những vấn đề nổi cộm đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp thảo luận. Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội của EVFTA mang lại sẽ song hành cùng khó khăn và thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến SHTT. Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển công nghệ, chuyển giao và quản lý công nghệ, vì lợi ích chung của người sản xuất và người sử dụng công nghệ theo cách thức có lợi cho pháp luật xã hội và kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải thúc đẩy phát triển công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO