Báo chí Việt Nam đổi mới và hội nhập

20/06/2018 16:48

(TN&MT) - 93 năm qua, kể từ số Báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam theo dòng chảy bất tận của lịch sử nước nhà đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.  

20170620163027 vd


Năm 1921, Bác với tên gọi Nguyễn Ái Quốc cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) in bằng tiếng Pháp, số 1 ra ngày 1/4/1922 tại Pa-ri và Người được coi là “linh hồn” của tờ báo.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc). Để tuyên truyền những tư tưởng Cách mạng vào trong nước, Người sáng lập tờ báo Thanh niên, số đầu tiên xuất bản Thanh Niên (21/6/1925). Chính vì vậy, tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) quyết định lấy ngày 21/6/1925 là ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam, mốc đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên “mặt trận tư tưởng”; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch Cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng, của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua (1986 đến nay) do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có hơn 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo và hàng vạn người viết báo không chuyên; tất cả mang tiếng nói của Đảng đến với đông đảo nhân dân, cùng nhau làm nên những thành tựu to lớn và sâu sắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là số lượng không nhỏ, chứng tỏ sự phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp của báo chí nước ta trong những năm qua. Chúng ta có quyền khẳng định rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới có một phần đóng góp rất quan trọng và vinh dự cao cả thuộc về giới báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng nước nhà.

Công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn tiếp theo diễn ra trong sự tác động đan xen của những thời cơ và thách thức lớn. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII xác định mục tiêu tổng quát 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 2016, tr.429). Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của báo chí là truyền bá hệ tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng tới quần chúng nhân dân, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong toàn bộ đời sống xã hội. Báo chí cần thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, đúng định hướng nội dung các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các văn bản này được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả.

Không những thế, qua báo chí, nhân dân còn có thể đóng góp nhiều ý kiến, phản biện các dự thảo luật, các chính sách, giúp Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thế giới, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Qua báo chí, Đảng và Nhà nước có thêm kênh thông tin để nắm bắt được tình hình thực tiễn lao động sản xuất của các tổ chức, cá nhân, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể với những đòi hỏi, thách thức, những biểu hiện tích cực và tiêu cực; nắm bắt xu thế vận động khách quan của thời đại; nắm bắt những những luồng thông tin từ bên ngoài; nắm bắt dư luận xã hội, ý chí, nguyện vọng, tinh thần... của quần chúng nhân dân.

Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, vào thời điểm cả nước đang ra sức thi đua triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp mỗi nhà báo gắn việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác nói chung và tư tưởng, đạo đức nghề báo nói riêng gắn với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII bằng những tác phẩm báo chí thiết thực, mang tính thời sự nóng hổi, làm rung động lòng người, làm nảy nở những tài năng báo chí, bồi đắp phẩm chất và phong cách người làm báo cách mạng - cội nguồn của sự chăm sóc, tin yêu hết lòng của Đảng, của dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí Việt Nam đổi mới và hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO