Báo chí Người bạn đường tin cậy của Đảng, của Nhân dân

GS. TS. NGND Trần Văn Bính - Học viện CTQG Hồ Chí Minh| 20/06/2021 08:24

(TN&MT) - Báo chí cách mạng nước ta có lịch sử gần 100 năm, kể từ khi tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria) của Nguyễn Ái Quốc ra đời tại Paris năm 1923.

Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, các nhà báo Việt Nam, tuân theo lời dạy của Bác, đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Những tác phẩm của họ phần lớn được ra đời trong khói lửa của chiến tranh, còn vương mùi thuốc súng, thậm chí còn thấm máu của tác giả và của đồng đội. Nhiều bài báo đã trở thành "tờ hịch cách mạng" (lời Hồ Chủ tịch). Thông qua các tác phẩm của mình, các nhà báo đã truyền ngọn lửa của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, giới thiệu với nhân loại về tính chính nghĩa của cách mạng Việt Nam và sự phi nghĩa của các đạo quân xâm lược nước ngoài. Phải chăng điều đó góp phần không nhỏ trong việc đánh thức lương tri nhân loại, tạo nên làn sóng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Không ít nhà báo có tên tuổi trên thế giới đã sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc chiến tranh đó và viết lên những bài viết chính nghĩa, lên án các thế lực gây chiến đang tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Những thành tựu của báo chí cách mạng nước ta có liên quan trực tiếp với ý thức coi cây bút trang giấy là vũ khí đấu tranh sắc bén. Từ đó, các nhà báo đã "ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chính sách chủ trương của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...". Các câu hỏi: Viết cho ai xem, viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc... cũng là những câu hỏi thường xuyên, thường trực được các nhà báo trăn trở.

Ngày nay, nước ta đã bước sang thời kỳ lịch sử mới: Xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là con đường tất yếu để từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ sản xuất nông nghiệp, theo cơ chế tập trung bao cấp chuyển sang công nghiệp hóa và nền kinh tế thị trường, từ chỗ bị bao vây, cô lập, chúng ta bước sang thời kỳ hội nhập ngày càng sâu với các quốc gia dân tộc có chế độ chính trị khác nhau, đó là bước phát triển đột biến trong đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.

Bước phát triển đột biến đó mang tới cả thời cơ lẫn nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tình hình đó đòi hỏi mọi người, đặc biệt những người làm báo phải sáng mắt, sáng lòng.

Trong những lần nói chuyện với các cán bộ báo chí, Bác Hồ thường nhắc lại câu nói của Lênin: báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức, người lãnh đạo chung. Với ý nghĩa đó, báo chí không chỉ là người đưa tin, mà quan trọng hơn là thông qua việc truyền tải thông tin, báo chí định hình cho dư luận xã hội, tổ chức lực lượng tham gia tích cực vào quá trình cải tạo và xây dựng xã hội theo định hướng mà Đảng đã đề ra. Vai trò người chiến sĩ trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của báo chí là ở đó.

Bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là bước vào một thời kỳ mà khoa học, công nghệ thâm nhập sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống, từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần, từ sinh hoạt cá nhân đến giao tiếp xã hội, từ lao động, học tập đến nghỉ ngơi giải trí... Tầm nhìn, cách suy nghĩ của mỗi con người không còn bị giới hạn trong địa phương mình, trong quốc gia mình... Những điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự "thanh lọc", thậm chí có thể là một sự thay da đổi thịt trong đời sống của mỗi cá nhân, đặc biệt ở thế hệ trẻ - những người vốn nhanh nhạy với cái mới, nhưng cũng là những người chưa có nhiều trải nghiệm về các truyền thống quý báu của dân tộc. Thời cơ, thách thức lớn là ở đây.

Bước vào thời kỳ lịch sử mới, cái chân lý "tri thức là sức mạnh" đã trở thành một thực thể sống động giúp con người tồn tại và phát triển. Trước đây, trong xã hội truyền thống, con người có thể sống bằng kinh nghiệm của những người đi trước. Ngày nay, con người phải thường xuyên đối diện với những cái mới, những cái chưa từng có. Tư duy theo chủ nghĩa kinh nghiệm đang bị thay thế bằng tư duy khoa học.

Như vậy, cuộc sống đang đặt ra hàng loạt những vấn đề mới, buộc mọi người, từ người lãnh đạo, quản lý đến người dân phải hiểu. Điều đó tạo ra một môi trường hoạt động rất thuận lợi cho báo chí. Vị thế của người làm báo, do đó, cũng được nâng cao. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay, người làm báo gặp không ít những khó khăn, thách thức, đơn cử như sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường.

Ngoài tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự lan truyền nhanh chóng các mạng xã hội cũng gây trở ngại cho hoạt động báo chí. Điều này đã diễn ra và sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Trong tình hình đó, con đường duy nhất để báo chí trở thành người bạn đáng tin cậy của mọi người là quyết tâm nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo. Phải bằng mọi nỗ lực để người đọc cảm nhận được độ chính xác của các thông tin, sự trong sáng của ngôn từ, sự chân thực trong niềm tin và tầm trí tuệ của người làm báo. Sức sống của báo chí trong thời đại hiện nay chủ yếu là ở đó.

Mặt khác, những người có trọng trách ở các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội... phải có trách nhiệm với báo chí, phải là những bạn đọc thường xuyên của báo chí. Ngay từ năm 1954, dưới bút danh C.B. Bác đã viết bài: "Cần xem báo Đảng". Bác viết: "Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác... Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc...".

Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức, người lãnh đạo chung (ý của Lênin), vì vậy vai trò của công tác phê bình và tự phê bình của báo chí là rất quan trọng. Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở báo chí phải làm tốt công tác này. Bác nói: "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng". "Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm". Đối với những người và những cơ quan được báo chí phê bình, thì dù "bất kỳ ở địa vị nào" phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được "phớt" lời phê bình và "trù" người phê bình".

Những lời dạy của Bác hơn 50 năm qua đang trở thành vấn đề thời sự, được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, báo chí đã và đang đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời về những thành tích và cả những khuyết điểm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, và các cá nhân, qua đó giúp nhân dân và các cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về thực trạng xã hội. Một số mô hình tốt, qua báo chí đã được phát hiện, được nhân rộng. Trái lại, một số cách làm ăn gian dối đã bị thanh tra, xử lý. Việc phát hiện một số vụ án lớn, có phần đóng góp không nhỏ của báo chí.

Trong bất cứ xã hội nào, báo chí luôn là hoạt động có tác động trực tiếp, nhanh nhạy đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của xã hội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các nhà báo Việt Nam chắc chắn sẽ là người bạn đường đáng tin cậy của Đảng, của nhân dân trong công cuộc đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí Người bạn đường tin cậy của Đảng, của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO