Xã hội

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng:“Địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam

Khánh Ly 09/08/2024 16:47

(TN&MT) - Ngày 9/8, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức lễ Khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

cat-bang.jpg
Lễ cắt băng khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Tham dự chương trình có các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương... cùng các đồng chí nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, các đồng chí là nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo địa phương. Đặc biệt, thân nhân các giảng viên, học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã tề tựu tại sự kiện.

Cách đây tròn 75 năm, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở giữa núi rừng ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam và là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

_mg_9159.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ban Giám đốc khi thành lập trường gồm 5 người, do ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này.

ba-pct-qh.png
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ

Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân… Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.

img_9226.jpg
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình tìm hiểu, xây dựng Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Năm 2019, “địa chỉ đỏ” Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trường. Giờ đây, bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954” và “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949”.

_mg_9149.jpg
Các đại biểu tham dự lễ khánh thành

Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa. Từ đó, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn” thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại.

img_9246.jpg
Các đại biểu tham quan công trình

Chia sẻ tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Công trình đã thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Sự kiện khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Phó Chủ tịch Quốc Hội kỳ vọng các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng; cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc. Từ đó, bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

img_9076(1).jpg
Thân nhân các giảng viên, học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tới thăm Di tích

Sau khi khánh thành, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã bàn giao công trình cho UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sau khi nhận bàn giao Di tích sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để phát huy công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo. Đây sẽ là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch "về nguồn" của nhân dân, các thế hệ nhà báo, sinh viên và học sinh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: “Địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO